|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi suất cao hơn hẳn, trái phiếu doanh nghiệp đang gây sức ép lên kênh tiền gửi ngân hàng

16:58 | 08/07/2020
Chia sẻ
Theo SSI Research, TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do sở hữu cùng tính chất là khoản đầu tư có thu nhập cố định nhưng có lợi suất hấp dẫn hơn.

TPDN gia tăng cạnh tranh với kênh tiền gửi

Theo số liệu của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tổng qui mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng, tương đương qui mô tiền gửi của VietinBank, ngân hàng có thị phần tiền gửi thứ 4 tại Việt Nam (sau BIDV, Agribank và Vietcombank), tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa 3 sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), lượng TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3 khoảng 398.000 tỉ đồng. Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỉ đồng, chiếm 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng qui mô tiền gửi của Sacombank, ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau VietinBank.

"Lượng TPDN các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là khoản đầu tư có thu nhập cố định", SSI Research nhận định.

Lợi suất TPDN hấp dẫn hơn tiền gửi 

Số liệu của SSI Research cho thấy, 6 tháng đầu năm, các NHTM phát hành 42.500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kì hạn bình quân 4,7 năm nhưng nhà đầu tư cá nhân chỉ mua các trái phiếu kì hạn 7 năm của TPBank với lãi suất thả nổi, cao hơn lãi suất tiền gửi 2-2,6%/năm; và các trái phiếu 6-10 năm của BIDV có kèm cam kết mua lại trước hạn sau 1-5 năm ở lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi 0,6-1,2%/năm.

Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân TPDN phát hành sơ cấp dao động từ 10,1% đến 11,2%/năm với kì hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Khảo sát mức lãi suất các công ty chứng khoán (CTCK) và NHTM chào, lãi suất TPDN trên thứ cấp thường thấp hơn 2-2,5%/năm trên sơ cấp, nằm trong vùng 7,5-10,5%/năm.

So với lãi suất tiền gửi, lợi tức TPDN cao hơn 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Bản thân mức giãn cách của lãi suất tiền gửi giữa các nhóm NHTM cũng rất rộng, các NHTM nhỏ huy động với lãi suất cao hơn nhóm 4 NHTM Nhà nước 1-2%/năm. Bởi vậy, nếu so với lãi suất tiền gửi của các NHTM lớn, lợi tức TPDN có thể cao hơn 1,8-4%/năm tùy từng kì hạn.

Lợi suất cao hơn hẳn, trái phiếu doanh nghiệp đang gây sức ép lên kênh tiền gửi ngân hàng - Ảnh 1.

Mặt khác, yếu tố về kì hạn cũng được giải quyết với các cam kết từ phía các NHTM/CTCK sẽ mua lại hoặc làm trung gian thu xếp khi nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn. Các kì hạn nắm giữ có thể chia nhỏ đến từng tháng với mức lãi suất ghi trên hợp đồng cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kì hạn 1%-3%/năm.

Quốc Thụy