|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư cá nhân chi hàng chục nghìn tỉ mua trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm

19:15 | 08/07/2020
Chia sẻ
Theo số liệu của SSI Research, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp. Đồng thời, trái phiếu các doanh nghiệp phát hành nhiều cũng đang được phân phối mạnh cho các khách hàng cá nhân trên thị trường thứ cấp.

Nhà đầu tư cá nhân đang tích cực tham gia thị trường TPDN

Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo về thị trường phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tại báo cáo, SSI Research dẫn số liệu của TCBS, công ty chiếm 82,4% thị phần giao dịch TPDN trên HSX, cho biết đã phân phối bán lẻ ra thị trường cho nhà đầu tư cá nhân hơn 30.000 tỉ đồng trong năm 2019, tăng 47% so với 2018.

SSI Research ước tính lượng TPDN nhà đầu tư cá nhân mua vào năm 2019 trên cả thứ cấp và sơ cấp khoảng 66.000 tỉ đồng, tương đương 1,4% tổng lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng.

Dù nhỏ, mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường TPDN đang tăng khá nhanh.

Số liệu SSI Research cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019. Trái phiếu các doanh nghiệp phát hành nhiều trong nửa đầu 2020 như Sovico, Vinfast, Vincommerce, Masan Group… cũng đang được phân phối mạnh cho các khách hàng cá nhân trên thị trường thứ cấp.

Theo SSI Research, nguyên nhân nhà đầu tư cá nhân tích cực tham gia thị trường là bởi có thể tiếp cận TPDN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng/CTCK, đặt lệnh mua TPDN qua tài khoản chứng khoán, thậm chí chức năng này còn được tích hợp vào tài khoản ngân hàng điện tử tại một số ngân hàng.

Đồng thời, các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu đầu tư của khách hàng, thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lí.

Bên cạnh đó, so với lãi suất tiền gửi, lợi tức TPDN cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Tình trạng này khiến một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi chuyển dịch sang TPDN.

"Sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt qui mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận đã khiến TPDN từ chỗ là kênh đầu tư dành riêng cho tổ chức đã dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân", SSI Research đánh giá.

Nhà đầu tư cá nhân chi hàng chục nghìn tỉ mua trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng với TPDN 

Theo SSI Research, mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán/ thanh khoản của doanh nghiệp. 

Hiện tại, chưa có 1 đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.

Bởi vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi.

Mới đây, các NHTM đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi 0,1 – 0,9 điểm % tùy từng kì hạn từ 1/7, ghi nhận đợt giảm lãi suất mạnh nhất từ cuối năm 2019 đến nay. Vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75-1%/năm ở kì hạn dưới 6 tháng và thấp hơn 1-2%/năm ở các kì hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm 2019 và nới rộng chênh lệch so với lãi suất TPDN.

SSI Research cho rằng, sự gia tăng mạnh lượng phát hành TPDN thời gian gần đây có thể là bước tăng tốc trước khi dự thảo sửa đổi Nghị định 163 theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ TPDN đi vào hiện thực. Sau 2 năm tăng tốc, lượng TPDN lưu hành hiện đã tương đối lớn và có thể là một trong những yếu tố khiến lãi suất tiền gửi khó có thể giảm nhiều trong nửa cuối năm 2020.

Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trước tình trạng doanh nghiệp bất động sản tăng huy động vốn qua trái phiếu và nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo rủi ro đối với thị trường này.

Theo đó, Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ và tuân thủ các qui định của pháp luật về phát hành trái phiếu.

Phần vốn từ phát hành trái phiếu phải gắn với mục đích phát hành, không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt với nhiều mã trái phiếu. Các doanh nghiệp cũng phải có biện pháp thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cả cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.

Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kĩ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu.

Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức phân phối cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ, thanh toán lãi, gốc…).

Theo cơ quan quản lí, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ các rủi ro có thể gặp, nhà đầu tư (nhất là cá nhân) mới nên mua trái phiếu.

Đồng thời, Bộ Tài chính nhấn mạnh không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.