|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hồ sơ đất đai tăng đột biến trước thông tin sáp nhập tỉnh

08:16 | 10/04/2025
Chia sẻ
Tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), nơi giáp ranh với Quảng Nam, lượng hồ sơ đất đai tăng gấp đôi sau khi có chủ trương "về chung một nhà".

Sáng 9/4, tại bộ phận một cửa UBND quận Ngũ Hành Sơn chật kín người đến làm thủ tục liên quan đất đai. Nhiều người dân cho biết đến từ sáng sớm và phải xếp hàng bốc số. Đến khoảng 10h, có hơn 150 người bấm số thứ tự nhưng mới khoảng 30 hồ sơ được giải quyết.

Bà Bảy, 45 tuổi, trú quận Sơn Trà, cho biết mình sang tên lô đất mới mua. "Tiền gửi ngân hàng lãi suất không cao nên tôi quyết định rút ra đi mua lô đất 100 m2, đường 5,5 m ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn với giá hơn 3 tỷ. Mua được vài ngày nhưng đã có người trả hơn 170 triệu nhưng tôi không bán", bà nói.

Người dân đến làm thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai tại Ngũ Hành Sơn tăng cao những ngày gần đây. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo bà Bảy, đất ở khu vực Ngũ Hành Sơn giáp ranh với thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang tăng nhanh những ngày qua, sau khi có chủ trương dự kiến sáp nhập hai địa phương. "Tôi mua để dành cho con cái, vì khu vực này gần biển, gần các dự án resort và khu Công nghệ thông tin tập trung của FPT", bà nói.

Cùng đi làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới mua, bà Hồ Thị Huyền, trú quận Ngũ Hành Sơn, cho biết thấy giá đất khu vực mình đang sống tăng cao nên đã quyết định mua thêm. Do người đi làm thủ tục đất đai quá đông, hôm qua bà đã phải ra về, sáng nay đến sớm với hy vọng sẽ hoàn tất được hồ sơ.

Một người đàn ông đến từ Hà Nội chờ gần 11h mới được gọi vào làm thủ tục sang tên lô đất mua ở khu vực gần phố tây An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Ông cho biết do con gái chuyển công tác vào Đà Nẵng nên vợ chồng ở tuổi nghỉ hưu cũng quyết định "di cư" vào Đà Nẵng để an dưỡng tuổi già.

"Mình mua để ở, không phải đầu tư nên không quan tâm nhiều đến giá bất động sản có tăng hay không. Nhưng Đà Nẵng với lợi thế biển đẹp, du lịch ngày một phát triển, kinh tế đang khởi sắc nên tương lai sẽ có nhiều người tìm đến sinh sống, làm ăn", ông nói.

Theo ghi nhận, nhiều người đi làm hồ sơ đã nhờ môi giới hỗ trợ, khiến số lượng người đến bộ phận một cửa quận Ngũ Hành Sơn đông hơn. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên Công ty TNHH địa ốc Tùng Long, cho biết những ngày qua được nhiều khách hàng ở Hà Nội, nhiều tỉnh phía bắc và tỉnh Quảng Nam nhờ hỗ trợ hoàn tất các thủ tục đất đai. "Do lượng người mua nhiều, trong khi nguồn cung có hạn nên giá đất tăng nhanh", anh Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, trước đây chủ yếu là người dân ngoài Hà Nội vào mua đầu tư, còn bây giờ nhiều người Quảng Nam cũng ra Đà Nẵng mua, phòng khi sáp nhập phải chuyển công tác. Do đó, giao dịch bất động sản còn tăng ở quận Cẩm Lệ và huyện Hoà Vang (phía Nam Đà Nẵng). Tính từ đầu năm đến nay, giá bất động sản khu vực Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ tăng bình quân hơn 10%.

Nhân viên bất động sản này cho biết giá bất động sản ở Đà Nẵng đang có nhiều phân khúc, ví dụ với lô đất 100 m2, đường 7,5m ở khu đảo Vip Hoà Xuân, giá từ 6-6,5 tỷ đồng; khu nam cầu Nguyễn Tri Phương khoảng 4,4 tỷ; càng xa trung tâm thì giá sẽ rẻ hơn. "Riêng khu đô thị FPT hiện chỉ còn những lô diện tích lớn, đường 10,5 m trở lên, với giá trên 20 tỷ đồng", Hoàng nói thêm.

Trong khi đó, khoảng một nửa người xếp hàng bấm số để làm thủ tục tách thửa, cập nhật tài sản gắn liền với đất. Lượng người đông nhưng không có cảnh chen lấn hay ồn ào. Ông Thành, trú quận Ngũ Hành Sơn, cho biết lo ngại khi bỏ cấp quận và sáp nhập với Quảng Nam hồ sơ sẽ khó làm nên đi tách sổ thửa đất hơn 1.000m2. "Sau này cho con cái hay bán thì tính sau", ông nói.

Để hạn chế thời gian ngồi chờ, nhiều người đến làm thủ tục đất đai chủ động làm trước các bước hồ sơ trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Lê Ngọc Nhất, Phó chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết trung bình hàng ngày mỗi quầy ở bộ phận một cửa tiếp nhận và xử lý khoảng 40 - 50 hồ sơ. Tuy nhiên, những ngày gần đây số hồ sơ tăng gấp đôi, nhất là tại quầy lĩnh vực đất đai nên cán bộ tiếp nhận khoảng 80-90 hồ sơ một ngày. Số hồ sơ công dân bốc khoảng gần 200 số một ngày nên UBND quận phải tăng cường thêm 4 nhân lực để hỗ trợ.

Phó chánh văn phòng UBND quận nói việc tăng hồ sơ đất đai chủ yếu do người dân lo sợ tâm lý sáp nhập tỉnh, phường và bỏ cấp quận nên tranh thủ đi làm thủ tục tách thửa. "Chúng tôi giải thích cho người dân là chưa cần cập nhật vì khi sáp nhập tỉnh sẽ điều chỉnh lộ giới và phải cập nhập lại nhưng người dân vẫn muốn làm xong hồ sơ mới yên tâm", ông Nhất chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều người đi hoàn thiện cập nhật tài sản gắn liền trên đất để tránh việc làm muộn thuế sẽ tăng cao. Riêng các giao dịch mua bán đất đai, theo ông Nhất, có giao dịch thật nhưng cũng không loại trừ khả năng môi giới tranh thủ thông tin sáp nhập tỉnh để xếp hàng bấm số, "một người làm thủ tục 2 người đi theo", mua đi bán lại để tạo sốt đất ảo.

Thực trạng đất nền tại Đà Nẵng "rục rịch" tăng giá trở lại từng xuất hiện một vài đợt nhưng không kéo dài. Tháng trước, khu vực Hoà Phước (huyện Hoà Vang), giáp ranh với Điện Bàn (Quảng Nam) cũng sốt đất nhưng chủ yếu do người dân nhận tiền đền bù đất ruộng đi mua đất phân lô để dành cho con cái.

Khu đô thị FPT có nhiều giao dịch bất động sản thời gian gần đây. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam), cho biết đất nền khu vực phía nam Đà Nẵng giáp ranh với Quảng Nam những ngày qua thực tế có giao dịch và giá có tăng cao, nhất là khi có thông báo chủ trương sáp nhập.

"Giao dịch sôi động nhất là ở khu FPT và đô thị ở Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), do lượng đất nền còn nhiều. Trong khi đó, đất nền khu vực Tây Bắc thành phố lại ít người mua", ông Lập nói, cho biết đang có nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án tại Đà Nẵng nên chính họ cũng muốn tạo sự sôi động cho thị trường.

Về số lượng người đi làm thủ tục đất đai tăng đột biến, ông Lập cho biết do một số văn phòng đăng ký đất đai quy định chủ đất phải trực tiếp đi làm thủ tục hoặc phải có giấy uỷ quyền, không được làm thay. Nhiều người nhờ môi giới đi cùng để hỗ trợ làm hồ sơ, giấy tờ.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang tăng trưởng trên nền giá cao, về mức đỉnh năm 2019. Theo ông Nguyễn Đức Lập người mua đầu tư ngoài việc mua đất đã có sổ để tránh rủi ro pháp lý thì nên mua bằng "thóc thật", đồng thời cẩn trọng vì có thể Việt Nam sẽ đánh thuế bất động sản thứ hai.

Nguyễn Đông

Nhận định thị trường chứng khoán 14/4: Tiếp diễn xu hướng hồi phục
Theo dự báo của công ty chứng khoán, đà hồi phục ngắn hạn có thể tiếp diễn trong các phiên tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trước thị trường đang có biên độ dao động rất lớn và giao dịch theo thông tin.