Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn (Return on Short-term assets) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: pinterest)
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn
Khái niệm
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn trong tiếng Anh được gọi là: Return on Short-term assets.
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn cho biết một đồng tài sản ngắn hạn doanh nghiệp sử dụng tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận, thể hiện hiệu quả sử dụng tài sản ngắn hạn tại doanh nghiệp.
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn càng cao thì trình độ sử dụng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp càng cao và ngược lại.
Thông thường, ngoại trừ những chiến lược kinh doanh đặc biệt thì tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn được xem là hợp lí khi ít nhất phải lớn hơn hoặc bằng lãi suất cho vay ngắn hạn trên thị trưởng trong kì.
Công thức tính
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn = Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/ Giá vốn tài sản ngắn hạn bình quân trong kì
Theo số liệu công ty cổ phần ABC và lãi suất cho vay ngắn hạn trong 2 năm X1 và X0 là 6% năm.
Chỉ tiêu | Năm X1 | Năm X0 | Chênh lệch |
Lợi nhuận sau thuế (triệu) | 606 | 528 | 78 |
Tài sản ngắn hạn đầu kì (triệu) | 5.000 | 4.640 | 360 |
Tài sản ngắn hạn cuối kì (triệu) | 4.200 | 5.000 | -800 |
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn | 13,17% | 10,95% | 2,22% |
Trong năm X1, tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn là 13,17%, lớn hơn lãi suất cho vay ngắn hạn trên thị trường 6% đồng thời tăng so với năm X0 là 2,22%. Mặt khác, qui mô lợi nhuận cũng gia tăng. Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản ngắn hạn công ty có kết quả và xu hướng khá tốt.
Ý nghĩa
Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ngắn hạn (Return on Short-term assets) là một trong những chỉ tiêu tài chính để phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Lợi nhuận là một chỉ tiêu tài chính tổng hợp phản ảnh hiệu quả của toàn bộ quá trình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ và những giải pháp kĩ thuật, quản lí kinh tế tại doanh nghiệp.
Để nhận thức đúng đắn về lợi nhuận thì không phải chỉ quan tâm đến tổng mức lợi nhuận mà cần phải đặt lợi nhuận trong mối quan hệ với vốn, tài sản, nguồn lực kinh tế tài chính mà doanh nghiệp đã sử dụng để tạo ra lợi nhuận trong từng phạm vi, trách nhiệm cụ thể.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính Doanh nghiệp, Nguyễn Văn Sang, Trường Đại học Đông Đô)