|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thoái vốn (Divestment) là gì? Các hình thức thoái vốn

16:36 | 20/11/2019
Chia sẻ
Thoái vốn (tiếng Anh: Divestment) chỉ quá trình bán các tài sản công ty con, rút các khoản đầu tư hoặc các chi nhánh nhằm tối đa hóa giá trị của công ty mẹ.
fossil-fuel-divestment

Hình minh họa. Nguồn: Ethical.net

Thoái vốn

Khái niệm

Thoái vốn trong tiếng Anh là Divestment.

Thoái vốn chỉ quá trình bán các tài sản công ty con, rút các khoản đầu tư hoặc các chi nhánh nhằm tối đa hóa giá trị của công ty mẹ.

Thoái vốn là khái niệm ngược lại với đầu tư và thường xảy ra khi tài sản hoặc bộ phận của công ty con không hoạt động như mong đợi. Thông thường các công ty chọn triển khai chiến lược này để đáp ứng các mục tiêu tài chính, xã hội hay chính trị.       

Khi một công ty bán tài sản của mình, thường là để cải thiện giá trị công ty và đạt được hiệu quả cao hơn, thì công ty đó đang thực hiện thoái vốn. Tài sản có thể được thoái vốn là công ty con, bộ phận kinh doanh, bất động sản, thiết bị và các tài sản khác. 

Thoái vốn có thể được thực hiện do chiến lược tối ưu hóa doanh nghiệp hoặc do các ngoại tác như đầu tư giảm hoặc khi các công ty rút khỏi một khu vực địa lí hay ngành nào đó do áp lực chính trị hoặc xã hội.   

Đặc điểm của thoái vốn

Nhiều công ty sử dụng thoái vốn để bán các tài sản ngoại vi ngằm mục đích để đội ngũ quản lí tập trung nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. 

Tiền thu được từ việc thoái vốn thường được sử dụng để trả nợ, chi tiêu vốn, bổ sung nguồn vốn lưu động hoặc trả cổ tức đặc biệt cho các cổ đông. Trong khi hầu hết các cuộc thoái vốn là hành động có chủ ý của doanh nghiệp, các vấn đề pháp lí cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến công ty bắt buộc phải thoái vốn.     

Dù với mục đích nào khi chọn áp dụng chiến lược thoái vốn, việc này cũng sẽ tạo ra doanh thu có thể được sử dụng ở những bộ phận khác cho công ty. Trong ngắn hạn, khoản tăng doanh thu này sẽ có lợi do công ty có thể phân bổ thêm tiền cho các bộ phận khác đang hoạt động tốt. 

Trường hợp nếu công ty bị buộc phải thoái vốn tài sản hay bộ phận hoạt động tạo ra lợi nhuận vì lí do chính trị hoặc xã hội, thì doanh thu công ty sẽ giảm xuống. 

Các hình thức thoái vốn 

Có nhiều hình thức thoái vốn mà doanh nghiệp có thể sử dụng, trong đó phổ biến nhất là Spin-off, bán cổ phần khơi mào  hoặc bán trực tiếp tài sản. 

Spin-off là khái niệm sử dụng cho các giao dịch không tiền mặt được miễn thuế khi một công ty mẹ chia cổ phiếu của công ty con cho các cổ đông. Do đó, công ty con trở thành một công ty độc lập với cổ phiếu có thể được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. 

Spin-off phổ biến nhất trong các công ty có hai hoạt động kinh doanh riêng biệt với các yếu tố tăng trưởng và rủi ro khác nhau.   

Khi bán cổ phần khơi mào, công ty mẹ bán một tỉ lệ vốn chủ sở hữu trong công ty con trên thị trường chứng khoán. Bán cổ phần khơi mào là thực hiện các giao dịch cổ phiếu bằng tiền mặt được miễn thuế. Vì công ty mẹ thường giữ cổ phần kiểm soát của công ty con, nên hình thức bán cổ phần khơi mào được các công ty cần tài trợ cơ hội tăng trưởng cho công ty con sử dụng nhiều nhất. 

Ngoài ra, bán cổ phần khơi mào cũng cho phép các công ty tạo doanh thu giao dịch cho cổ phiếu của các công ty con, và sau đó xử lí cổ phần còn lại trong các trường hợp thích hợp.   

Bán trực tiếp tài sản là một hình thức thoái vốn phổ biến khác, công ty mẹ bán các tài sản như bất động sản, thiết bị hoặc công ty con cho một bên khác. Việc bán tài sản thường giao dịch bằng tiền mặt và cho công ty mẹ có thể phải chịu thuế nếu việc bán tài sản có lãi.   

Lí do dẫn đến thoái vốn 

Lí do phổ biến nhất để thoái vốn là để bán các bộ phận kinh doanh không phải là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Các công ty sở hữu các đơn vị kinh doanh hoạt động trong các ngành khác nhau có thể cho đội ngũ quản lí không tập trung vào hoạt động cốt lõi của công ty. 

Cắt bỏ một đơn vị kinh doanh không quan trọng có thể giải phóng quĩ thời gian để những nhà quản lí tập trung vào các hoạt động cốt lõi của công ty mẹ. 

Một ví dụ thực tế là vào năm 2014, công ty General Electric đã đưa ra quyết định thoái vốn bộ phận tài chính không chủ chốt của họ bằng cách bán cổ phần của Syny Financial trên sàn chứng khoán New York (NYSE).   

Các công ty còn thoái vốn tài sản để thu tiền, loại bỏ công ty con hoạt động kém hiệu quả hay thực hiện các nghĩa vụ pháp lí. Ngoài ra, công ty có thể thoái vốn vì các thay đổi trong chính trị và xã hội, ví dụ như bán các tài sản góp phần làm trái đất nóng.

(Theo Investopedia)

Lê Thảo