Thị trường ngoại hối hôm nay 14/5: Đồng USD tăng sau phát biểu ảm đạm của Chủ tịch Fed về kinh tế Mỹ
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (14/5), vào lúc 19h05 giờ Việt Nam có 4/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 6 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp USD/CHF tăng cao nhất với mức tăng 0,31% và cặp AUD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,53%.
Đồng USD và yen Nhật đều tăng điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed
Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD có cơ hội tăng điểm khi nhà đầu tư ngại rủi ro sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ cũng như khả năng áp dụng lãi suất âm.
Vào lúc 13h55 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,1% lên mức 100,37 điểm. Khi đó, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,1% xuống còn 1,0807 USD/EUR, trong khi cặp GBP/USD giảm đến 0,3% về còn 1,2187 USD/GBP.
Cùng một số nhà hoạch định chính sách khác của Fed, Chủ tịch Jerome Powell cũng bác bỏ khả năng sử dụng lãi suất âm trong một sự kiện phát trực tuyến của Viện Kinh tế Peterson hôm qua (13/5).
Ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ phải sử dụng thêm một số biện pháp khác để kéo nền kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái. Chủ tịch Fed nói suy thoái hiện đã khiến ít nhất 20 triệu việc làm biến mất và gây ra "một nỗi đau khó diễn tả bằng lời".
Ông Powell còn cam kết sử dụng toàn bộ hỏa lực của NHTW Mỹ khi cần thiết, tuy nhiên ông cho rằng các chính sách tiền tệ của Fed khó mà đủ để bù đắp thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn nếu không có hỗ trợ tài khóa từ Quốc hội Mỹ.
Nhóm nhà phân tích tại Danske Bank cho hay, thị trường vẫn dự đoán lãi suất hiệu lực (effective fund rate) sẽ giảm xuống dưới mức 0 vào năm tới, "nhưng bình luận của ông Powell đã khiến nhà đầu tư ngừng tin tưởng lãi suất quĩ liên bang sẽ xuống thấp hơn mức hiện nay".
Cung cấp hỗ trợ tài khóa bổ sung có thể khá khó được Quốc hội Mỹ thông qua. Hồi đầu tuần này, Đảng Dân chủ Hạ viện đã đề xuất một dự luật cứu trợ COVID-19 khác trị giá 3.000 tỉ USD, bao gồm tài trợ cho chính quyền tiểu bang và địa phương cũng như phát tiền mặt cho dân. Tuy nhiên, nhiều khả năng Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ bác bỏ ý tưởng này.
Số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tuần mới nhất (dự kiến công bố vào lúc 19h30 giờ Việt Nam) có thể chứng minh nền kinh tế Mỹ cần được hỗ trợ hơn nữa. Các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm khoảng 2,5 triệu người đăng kí nhận phúc lợi thất nghiệp trong tuần trước.
Nếu dữ liệu thực tế rơi vào khoảng trên thì kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, 35 triệu việc làm đã biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ.
Ở diễn biến khác, CNBC dẫn lời chiến lược gia Zach Pandl của Goldman Sachs nhận định, nếu nền kinh tế Mỹ "đi giật lùi nghiêm trọng" thêm lần nữa, nhiều khả năng là do ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, Fed có thể sẽ phải cân nhắc chính sách lãi suất âm.
Theo tổng hợp của Investing.com, một đồng tiền chính khác cũng tăng điểm khi nhà đầu tư ngại giao dịch rủi ro là đồng JPY. JPMorgan Chase nhận định đồng nội tệ của Nhật Bản có khả năng gia tăng sức mạnh thời gian tới.
Vào lúc 13h55 giờ Việt Nam, cặp tiền USD/JPY giảm 0,1% xuống còn 106,86 JPY/USD.
"Hiện tại, chúng tôi dự đoán thời kì mất giá của đồng JPY (tức thời kì mất giá mạnh của đồng tiền theo giá trị thực) bắt đầu từ chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kết thúc", nhóm nhà phân tích tại JPMorgan nói.