|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Goldman Sachs: Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể đẩy lãi suất Fed xuống âm

17:18 | 14/05/2020
Chia sẻ
CNBC dẫn lời chiến lược gia của Goldman Sachs nhận định, nếu nền kinh tế Mỹ "đi giật lùi nghiêm trọng" thêm lần nữa, nhiều khả năng là do ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, Fed có thể sẽ phải cân nhắc chính sách lãi suất âm.
Goldman Sachs: Làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể khiến Fed nghĩ lại về lãi suất âm - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images)

Vào ngày 13/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương (NHTW) này không xem xét lãi suất âm vào thời điểm hiện tại, ngay cả khi các NHTW khác như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dường như đang cân nhắc ý tưởng trên.

Chủ tịch Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ phải sử dụng thêm một số biện pháp khác để kéo nền kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái, nhiều khả năng đến từ Quốc hội chứ không phải Fed.

"Mặc dù các chính sách kinh tế thời gian qua được thực hiện đúng thời điểm và có qui mô đủ lớn, tôi nhận thấy đây có thể chưa phải biện pháp cuối cùng vì con đường phía trước khá bất ổn và có nhiều rủi ro suy thoái lớn", ông Powell phát biểu tại sự kiện phát trực tuyến của Viện Kinh tế Peterson.

Khi được hỏi điều gì có thể thay đổi suy nghĩ của Fed về lãi suất âm, ông Zach Pandl - đồng trưởng bộ phận ngoại hối, tỷ giá và chiến lược thị trường mới nổi của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định làn sóng lây nhiễm thứ hai nhiều khả năng là động lực thúc đẩy Fed.

Theo ông Pandl, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai có thể phá hoại quá trình phục hồi kinh tế sắp tới, nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư đã dự báo về khả năng này trước đó.

"Nếu nền kinh tế Mỹ đi giật lùi nghiêm trọng thêm lần nữa, chẳng hạn như khi làn sóng lây nhiễm thứ hai gây cản trợ quá trình phục hồi kinh tế thì tôi nghĩ Fed có thể sẽ áp dụng thêm một loạt chính sách khác", ông Pandl chia sẻ với CNBC.

"Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đó, tôi nghĩ chính sách tài khóa sẽ là bước đi đầu tiên. Tôi không nghĩ việc hạ lãi suất xuống dưới 0 có thể mang lại hiệu quả", vị chiến lược gia nói thêm.

"Nhưng ai mà biết được, các nhà hoạch định chính sách sẽ muốn thử nghiệm những biện pháp mới nếu nền kinh tế thực sự suy thoái trong thời gian dài", ông Pandl nói. "Cho nên trong kịch bản đó, có lẽ Fed sẽ cân nhắc lãi suất âm, còn ở thời điểm hiện tại tôi thấy xác suất Fed áp dụng biện pháp này khá thấp".

Theo CNBC, ông Pandl không giải thích rõ tại sao lãi suất âm không hữu ích. Tuy nhiên, dẫn thực tế một số nước châu Âu và Nhật Bản vẫn phải chật vật phát triển kinh tế dù đã áp dụng lãi suất âm nhiều năm liền, nhiều nhà phân tích từ lâu đã hoài nghi về tính hiệu quả của biện pháp chính sách này.

Sức mạnh của đồng USD sẽ không kéo dài lâu

Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã tăng sau khi ông Powell loại trừ khả năng sử dụng lãi suất âm hôm 13/5.

Trong vài tuần gần đây, đồng USD giao dịch khá ổn định trong bối nhà đầu tư phải tìm kiếm một tài sản an toàn để giữ tiền sau khi đại dịch làm suy yếu triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới phục hồi trong vài năm tới, sức mạnh của đồng bạc xanh có thể sẽ giảm dần, ông Pandl nói. Lí giải nhận định, nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết đồng USD đang bị định giá cao hơn thực tế khoảng 20%, cho nên khi suy yếu thì đồng tiền này sẽ giảm điểm "rất mạnh".

"Lãi suất tại Mỹ là yếu tố chính giúp đồng USD duy trì vị thế trong vài năm qua nhưng nguồn hỗ trợ đó hiện tại không còn, lãi suất tại Mỹ đang tiến gần đến mức thấp như ở nhiều nơi khác trên thế giới", ông Pandl nói thêm.

Khả Nhân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.