|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Trump thích lãi suất âm, nhưng Fed sẽ không dễ chiều ý

14:31 | 13/05/2020
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump cho rằng lãi suất âm sẽ giúp ích cho nước Mỹ, và ca ngợi đây là "món quà" dành cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều khả năng Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cực lực phản đối ý tưởng này.
Ông Trump thích lãi suất âm, nhưng Fed chưa chắc sẽ chiều ý tổng thống - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Fed có quan điểm trái ngược nhau về lãi suất âm. Ảnh: Getty Images

Nhiều chuyên gia cho rằng ông Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ nhân dịp xuất hiện trong chương trình của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ngày 13/5 để phản bác dự đoán của thị trường về lãi suất âm.

Theo CNBC, giá các hợp đồng tương lai lãi suất Fed đang phản ánh rằng lãi suất sẽ rơi xuống mức thấp hơn 0 kể từ tháng 6/2021. Hôm 11/5, các quyền chọn lãi suất ngầm ngụ ý có 23% xác suất lãi suất quĩ liên bang sẽ xuống âm vào cuối tháng 12, theo dữ liệu của BofA Securities.

Kể từ ngày 8/5, một số chủ tịch chi nhánh địa phương của Fed đã lên tiếng bác bỏ khả năng lãi suất sẽ về âm, và tuyên bố Fed không hề có kế hoạch hạ lãi thấp xuống mức thấp như vậy.

Nhưng các hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 4/2021 vẫn đang phản ánh mức lãi suất âm 0,01%.

Ông Patrick Leary, Giám đốc đầu tư của Incapital cho biết: "Tôi không nghĩ việc ông Powell phát biểu vào ngày 13/5 là điều ngẫu nhiên. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều quan chức Fed lên tiếng, họ đều nói rằng lãi suất âm không mang lại nhiều lợi ích".

Nhưng lãi suất âm lại là ý tưởng hấp dẫn với ông Trump, trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt các khoản nợ mới lên tới hàng nghìn tỉ USD. Lãi suất âm đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ phải trả tiền cho Kho bạc khi nắm giữ trái phiếu của Mỹ, thay vì ngược lại.

Ông Trump thích lãi suất âm, nhưng Fed chưa chắc sẽ chiều ý tổng thống - Ảnh 2.

"Miễn là các quốc gia khác cũng đang được hưởng lợi ích của lãi suất âm, nước Mỹ cũng nên chấp nhận "MÓN QUÀ" này. Các con số lớn!", tweet Tổng thống Trump đăng ngày 12/5.

Châu Âu và Nhật Bản sử dụng chính sách lãi suất âm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cho đến hiện tại, lãi suất của các nước này vẫn thấp hơn 0.

Ông Mark Cabana, chuyên gia đầu tư tại Bank of America cho biết: "Lãi suất âm là khoản thuế đánh vào những người tiết kiệm. Người Mỹ nói chung không thích bị đánh thuế đối với tiền tiết kiệm. Và tôi nghĩ việc đánh thuế lên khoản tiền tiết kiệm mà một người đã phải làm lụng vất vả để có được sẽ có ý nghĩa rất tiêu cực".

Tuy vậy, các chuyên gia cho biết thị trường có thể đẩy lãi suất thực xuống mức âm kể cả khi Fed không đặt ra mục tiêu này. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn hai năm đã rơi xuống 0,09%.

Tùy thuộc vào tình hình, lợi suất trái phiếu Kho bạc trong tương lai có thể xuống thấp hơn 0 giống như trong cuộc Đại suy thoái và giai đoạn thị trường căng thẳng hồi tháng 3 và tháng 4. 

Ông Cabana và các chuyên gia khác cho biết những quốc gia có lãi suất âm đã không thu được nhiều lợi ích từ chính sách này, và những nền kinh tế này vẫn tiếp tục bị đình trệ.

Nhiều người lo lắng rằng lãi suất âm sẽ giúp cho chính phủ vay tiền với chi phí thấp hơn, nhưng các lĩnh vực khác trong nền kinh tế sẽ phải gánh chịu tổn thất.

Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard thì cho rằng Fed đang mắc sai lầm khi không bổ sung lãi suất âm vào các công cụ tiền tệ của mình. Trong khi đó, Fed lại mua vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu rác, khiến cho kể cả các doanh nghiệp yếu kém cũng không bị phá sản.  

Ông Rogoff nói rằng hành động này của Fed có thể trở thành vấn đề nếu một làn sóng COVID-19 mới xảy ra khiến Mỹ phải đóng cửa lần nữa.

Vị Giáo sư Harvard này tuyên bố trên CNBC: "Nếu lãi suất rơi xuống âm và ở mức rất thấp, nhiều công ty sẽ có thể duy trì hoạt động. Sẽ có những doanh nghiệp khác phải tái cấu trúc. Việc chính sách lãi suất âm không được đưa ra thảo luận là cả một sai lầm".

Kì vọng của nhà đầu tư

Cuộc nói chuyện của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 13/5 được cho là sẽ xoay quanh "các vấn đề kinh tế hiện nay", nhưng nhiều chuyên gia kì vọng rằng ông sẽ nhân dịp này để phản đối lãi suất âm.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết: "Tôi nghĩ có thể ông Powell sẽ đập tan những dự đoán rằng Fed sẽ thực hiện chính sách lãi suất âm. Tôi muốn ông ấy khẳng định: "Đây không phải là một ý tưởng hay. Chúng tôi sẽ không thực hiện chính sách này".

Ông Boockvar cho rằng lãi suất âm là một ý tưởng "ngu ngốc". 

Theo Reuters, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc chính sách lãi suất âm ở Mỹ sẽ gây ra gián đoạn trên thị trường tiền tệ.

Bà Ayako Sera, chuyên gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank nhận xét: "Việc Mỹ áp dụng chính sách lãi suất âm sẽ gây ra nhiều gián đoạn lên thị trường hơn cả Nhật Bản hay châu Âu".

"Tại Mỹ, doanh nghiệp dựa vào thị trường tiền tệ để tìm kiếm nguồn tại trợ… việc Mỹ áp dụng chính sách lãi suất âm sẽ làm gián đoạn việc định giá của rất nhiều loại chứng khoán".

Giám đốc đầu tư Leary của Incapital cho biết lãi suất âm đặc biệt có tác động xấu tới ngành ngân hàng: "Lãi suất âm sẽ làm nảy sinh một đống rắc rối mang tính hệ thống".

Chuyên gia đầu tư Cabana của Bank of America nói rằng Fed còn có các công cụ khác để thúc đẩy nền kinh tế, và ông hi vọng Chủ tịch Powell sẽ nhắc đến chúng trong cuộc nói chuyện hôm 13/5.

Fed có thể thực hiện chương trình nới lỏng định lượng, hoặc đưa ra các phát biểu tích cực về tình trạng của nền kinh tế và định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai.

Ngoài ra, Fed cũng có thể tiếp tục tăng lãi suất dự trữ vượt mức. Lãi suất dự trữ vượt mức hiện tại là 0,1%, cao hơn lãi suất quĩ liên bang. Nếu lãi suất dự trữ vượt mức tăng, lãi suất quĩ liên bang có thể sẽ đi lên, đập tan các dự đoán về lãi suất âm.

Ông Cabana cho biết ông không kì vọng Chủ tịch Fed sẽ đưa ra nhận định về triển vọng kinh tế, nhưng "Tôi muốn biết ông ta đang nghĩ gì và đang lo lắng đến mức nào. Tôi mong ông ta sẽ nói là đang cảm thấy rất lo lắng và Fed sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ thị trường".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.