|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (9 - 13/9): Giao dịch bùng nổ, nhiều kỉ lục mới được thiết lập

09:53 | 15/09/2019
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng quyền ghi nhận giao dịch bùng nổ, cùng với đó cũng lập nên nhiều kỉ lục mới về giá, thanh khoản và vốn hóa thị trường.

6 chứng quyền vừa đáo hạn trong tuần qua

Trong tuần vừa qua, có 6 mã chứng quyền đã dừng giao dịch do đến ngày đáo hạn, bao gồm chứng quyền dựa trên các cổ phiếu MWG, FPT, MBB, HPG và PNJ.

Theo đó, chứng quyền đáo hạn đầu tiên là MWG/BSC/C/EU/Cash-01 do Chứng khoán BSC phát hành, đáo hạn vào ngày 9/9. Hiện, BSC mới phát hành duy nhất chứng quyền này, công ty cũng chưa công bố các kế hoạch phát hành tiếp theo.

Tương tự, chứng quyền duy nhất của Chứng khoán VPS đáo hạn vào ngày 12/9 và công ty này cũng chưa công bố kế hoạch tiếp theo.

Trong khi đó, hai chứng quyền PNJ và HPG của Chứng khoán MBS đáo hạn vào ngày 10/9. Để thay thế các chứng quyền sắp đáo hạn, MBS đã phát hành thêm 3 triệu chứng quyền FPT và 3 triệu chứng quyền REE ngay trong tháng 8, các chứng quyền này đã được đưa vào giao dịch trong tuần qua.

Ngoài ra, Chứng khoán SSI có ba chứng quyền sẽ đáo hạn trong tháng 9, bao gồm các chứng quyền dựa trên ba cổ phiếu MBB, FPT và HPG. Chứng khoán VNDirect cũng đáo hạn chứng quyền dựa trên cổ phiếu FPT vào ngày 11/9.

Như vậy, sau khi các chứng quyền cũ đáo hạn xong trong tháng 9, tổng số mã chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ còn 16 mã. Trong đó, Chứng khoán KIS có số lượng nhiều nhất với 6 mã, ngược lại Chứng khoán BSC và VPS tạm thời không còn mã nào.

cw1

Lãi/lỗ vị thế của các chứng quyền vừa đáo hạn. (Nguồn: ST tổng hợp)

Về lãi/lỗ của vị thế của các chứng quyền đã đáo hạn, số liệu thống kê cho thấy mức độ phân hóa khá rõ nét.

Ở chiều tăng giá, chứng quyền CMWG1901 của BSC ghi nhận mức lãi vị thế gấp 3,6 lần. Hai chứng quyền CFPT1901 của VNDirect và CFPT1901 của SSI cũng lãi vị thế lần lượt 47,2% và 31,6%.

Ngược lại, hai chứng quyền HPG cùng lỗ vị thế hơn 160%, gồm CHPG1901 của MBS và CHPG1903 của VPS. Chứng quyền PNJ duy nhất cảu MBS cũng bị lỗ vị thế 67,6%.

Chứng quyền CHPG1903 có giá thấp kỉ lục với chỉ 20 đồng/cw

Thị trường chứng quyền tuần 9 - 13/9 giao dịch phân hóa với 12 mã tăng giá và 7 mã giảm giá, mức biến động trung bình là 4,13%.

Với diễn biến tích cực của cổ phiếu trên thị trường cơ sở, các chứng quyền FPT, MWG và MBB ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc. Trong đó ba chứng quyền FPT chiếm ba vị trí dẫn đầu với CFPT1902 tăng 48,75%, CFPT1904 (33,64%) và CFPT1903 (17,8%).

Cùng xu hướng tích cực, hai chứng quyền CMWG1903 và CMWG1904 ghi nhận lợi suất lần lượt 16,36% và 12,53%. Chứng quyền CREE1901 mới giao dịch tuần đầu tiên cũng đạt được lợi suất 11,11%.

Bên cạnh đó, hai chứng quyền MBB gồm CMBB1901 và CMBB1902 cũng tăng lần lượt 8,1% và 11,84%.

cw1

Thị trường chứng quyền giao dịch phân hóa trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Ở chiều ngược lại, chứng quyền HPG diễn biến phân hóa với ba mã giảm giá và hai mã tăng giá. Đáng chú ý, mã CHPG1901 thiết lập mức giá thấp kỉ lục với chỉ 20 đồng/cw, tương ứng giảm 50% so với tuần trước.

Chứng quyền CHPG1904 rơi khỏi mốc 1000 đồng/cw, ghi nhận mức giảm 19% xuống còn 810 đồng/cw. Chứng quyền CHPG1902 chứng kiến mức giảm giảm nhẹ hơn với 2%, xuống còn 490 đồng/cw.

Ngoài ra, hai chứng quyền "họ Vingroup" cũng trải qua tuần giao dịch kém tích cực với mã CVIC1901 giảm 7,21% và CVRE1901 giảm 15,56%.

Thanh khoản thị trường đạt mức cao kỉ lục từ khi bắt đầu hoạt động

Trái ngược với diễn biến ảm đạm trong tuần trước, thị trường chứng quyền tuần 9 - 13/9 giao dịch bùng nổ với tổng khối lượng giao dịch tăng 61,3%, thiết lập mức cao kỉ lục với hơn 10,2 triệu đơn vị; giá trị giao dịch cũng tăng gần gấp đôi lên 36,53 tỉ đồng.

Đáng chú ý, chứng quyền CMWG1902 ghi nhận thanh khoản tăng gấp gần 4 lần, với khối lượng giao dịch 161.840 đơn vị và giá trị giao dịch 1,35 tỉ đồng. Các mã khác cũng ghi nhận thanh khoản tăng bằng lần gồm có CMWG1904; CFPT1903; CHPG1906; CFPT1904; CVNM1901; CMWG1903; CHPG1904; CREE1901 và CFPT1902.

Ngược lại, hai chứng quyền "họ Vin" chứng kiến thanh khoản giảm sút so với tuần trước. Cụ thể, chứng quyền CVIC1901 giảm 26,6% khối lượng và 37,3% giá trị giao dịch; chứng quyền CVRE1901 cũng giảm 15% khối lượng giao dịch trong khi giá trị giao dịch giảm tới 27,6%.

Trong khi đó, chứng quyền CHPG1903, ngoài việc thiết lập mức giá thấp kỉ lục cũng ghi nhận thanh khoản thấp nhất lịch sử với giá trị giao dịch "vỏn vẹn" 20 triệu đồng. 

cw1

Thanh khoản thị trường chứng quyền tăng lên mức cao kỉ lục trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Ngoài các kỉ lục về giá và thanh khoản, vốn hóa thị trường cũng vươn lên mức cao nhất tại 167,16 tỉ đồng, tăng thêm 18,02 tỉ đồng so với tuần trước.

Trong đó, các chứng quyền MWG và FPT đóng góp hơn 12 tỉ đồng tăng thêm cho thị trường, ngược lại chứng quyền HPG và "họ Vin" giảm giá làm thu hẹp đà tăng vốn hóa thị trường.

Động thái khối ngoại bán ròng vẫn chưa dừng lại

Trong tuần giao dịch 9 - 13/9, khối ngoại cũng giao dịch sôi động hơn trên thị trường chứng quyền, tuy nhiên vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng.

Cụ thể, khối này mua vào 621.290 đơn vị, tương ứng giá trị mua 0,95 tỉ đồng; trong khi đó khối lượng bán ra là 621.890 đơn vị với giá trị bán 1,3 tỉ đồng.

Tính chung lại, khối ngoại bán ròng 600 đơn vị, tương ứng giá trị bán ròng 340 triệu đồng.

cw1

Khối ngoại vẫn lặp lại "điệp khúc" bán ròng. (Nguồn: ST tổng hợp)

Cổ phiếu "chứng quyền" ghi nhận giao dịch khởi sắc

Trên thị trường chứng khoán cơ sở, các cổ phiếu "nhóm chứng quyền" ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với 8 mã tăng giá và hai mã giảm giá, mức tăng trung bình của cả nhóm là 3,4%.

cw1

Cổ phiếu "nhóm chứng quyền" giao dịch khởi sắc trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Về mức độ tăng giá, cổ phiếu FPT dẫn đầu với tỉ lệ tăng 7,4%, thiết lập mức giá kỉ lục tại 56.800 đồng/cp. Đây cũng là nguyên nhân các chứng quyền FPT đua nhau vượt đỉnh lịch sử.

Bên cạnh đó, cổ phiếu MWG cũng tăng lên đỉnh giá mới tại 122.400 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 4,6% so với tuần trước. Cùng diễn biến tích cực, cổ phiếu HPG cũng tăng giá sau thời gian dài tạo đáy, kết tuần tăng 5,6% lên 22.600 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu VNM và VRE chứng kiến tuần giao dịch kém tích cực khi giảm giá lần lượt 0,6% và 0,4%.

Sơn Tùng