|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cơ hội 'ăn bằng lần' đã xuất hiện, thị trường chứng quyền có là 'bánh ngọt' hấp dẫn nhà đầu tư?

06:43 | 06/09/2019
Chia sẻ
Trong tháng 9, có 8 chứng quyền sẽ đáo hạn và hủy niêm yết trên sàn. Theo đó, tình hình lãi lỗ của các chứng quyền đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

8 chứng quyền sẽ đáo hạn trong tháng 9

Thống kê cho thấy, có 8 chứng quyền đầu tiên sẽ đáo hạn trong tháng 9 này, thời gian đáo hạn kéo dài từ 9/9 đến 30/9.

cw1

Danh sách các chứng quyền sắp đáo hạn trong tháng 9 (màu đỏ). Nguồn: ST tổng hợp

Theo đó, chứng quyền đáo hạn đầu tiên là MWG/BSC/C/EU/Cash-01 do Chứng khoán BSC phát hành, đáo hạn vào ngày 9/9. Hiện, BSC mới phát hành duy nhất chứng quyền này, công ty cũng chưa công bố các kế hoạch phát hành tiếp theo.

Tương tự, chứng quyền duy nhất của Chứng khoán VPS đáo hạn vào ngày 12/9 và công ty này cũng chưa công bố kế hoạch tiếp theo.

Trong khi đó, để thay thế các chứng quyền sắp đáo hạn, Chứng khoán MBS đã phát hành thêm 3 triệu chứng quyền FPT và 3 triệu chứng quyền REE ngay trong tháng 8. Hai chứng quyền PNJ và HPG của MBS sẽ đáo hạn vào ngày 10/9 tới đây.

Ngoài ra, Chứng khoán SSI có ba chứng quyền sẽ đáo hạn trong tháng 9, bao gồm các chứng quyền dựa trên ba cổ phiếu MBB, FPT và HPG. Chứng khoán VNDirect cũng đáo hạn chứng quyền dựa trên cổ phiếu FPT vào ngày 11/9.

Như vậy, sau khi các chứng quyền cũ đáo hạn xong trong tháng 9, tổng số mã chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ còn 8 mã.

Thêm 4 chứng quyền mới được đưa vào giao dịch

Phiên giao dịch ngày 30/8, thị trường ghi nhận sự tham gia của 4 mã chứng quyền mới được xây dựng dựa trên các cổ phiếu HPG, MSN, VIC, VRE do Chứng khoán KIS Việt Nam  phát hành.

kis

Thêm 4 mã chứng quyền mới được giao dịch ngày 30/8. Nguồn: ST tổng hợp

Tổng khối lượng phát hành thêm là 11,3 triệu chứng quyền, với cùng kì hạn 3 tháng. Trong đó, chứng quyền HPG và VRE có tỉ lệ chuyển đổi 2:1 còn chứng quyền MSN và VIC có tỉ lệ 5:1.

Với việc có 5 mã chứng quyền mới và đáo hạn 8 mã trong tháng 9, tổng số mã chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ là 12 mã, trong đó Chứng khoán KIS chiếm một nửa với 6 mã, Chứng khoán SSI có ba mã, Chứng khoán HSC và VNDirect cũng có một mã.

Một nửa chứng quyền đang có lãi so với giá phát hành

Tính đến thời điểm 5/9, có một nửa số chứng quyền đang có lãi so với giá phát hành, tập trung vào các chứng quyền MWG, FPT, VIC và MBB.

cw2

Lãi lỗ của các chứng quyền so với giá phát hành tính đến ngày 5/9. Nguồn: ST tổng hợp

Trong đó, nhóm chứng quyền MWG đã mang lại lợi ích vượt trội cho nhà đầu tư khi tất cả đều tăng "bằng lần", góp mặt trong 5 mã có lợi suất cao nhất. Cụ thể, mã CMWG1902 tăng 352,6%; CMWG1901 (250,5%); CMWG1904 (149,9%) và CMWG1903 (113%).

Chứng quyền còn lại có lợi suất bằng lần là CFPT1902 với mức tăng 121%; hai mã CFPT1901 và CFPT1903 cũng đạt lợi suất ở mức hai con số.

Ở chiều ngược lại, các chứng quyền HPG, PNJ và VNM giảm giá khá mạnh. Trong đó, mã CHPG1903 mất tới 94,67% giá trị; CHPG1901 cũng giảm 88,3%.

Đa số các chứng quyền sắp đáo hạn đều đang có lãi vị thế

Xét về vị thế thực hiện chứng quyền, số chứng quyền đang ở vị thế lãi cũng chiếm một nữa tổng số mã đang giao dịch trên thị trường, trong đó cũng tập trung hầu hết vào các chứng quyền MWG, FPT và MBB. Đây có là nguyên nhân giúp các mã này đều có tỉ suất sinh lợi cao như đã nêu trước đó.

cw3

Đa số các chứng quyền sắp đáo hạn đều có lãi vị thế. Nguồn: ST tổng hợp

Trong các chứng quyền sắp đáo hạn, có 5/8 mã đang ở vị thế lãi, đặc biệt nhiều mã đã giúp nhà đầu tư có thể "ăn bằng lần".

Trong đó, các mã CMWG1901, CFPT1901 và CFPT1902 duy trì vị thế lãi trong suốt vòng đời. Đây cũng là những mã đang lãi vị thế cao nhất với tỉ lệ lần lượt 348,7%; 127,1% và 173,7%.

Ngược lại, các chứng quyền mới phát hành đều đang ở trạng thái lỗ vị thế. Tuy nhiên, theo cơ chế hoạt động, chứng quyền sẽ không được thực hiện khi đang ở vị thế lỗ, do đó nhà đầu tư sẽ chỉ chịu mức lỗ tối đa bằng giá chứng quyền.

Các chứng quyền liệu có đang hấp dẫn nhà đầu tư?

So sánh giá đang giao dịch của cổ phiếu cơ sở trên thị trường và giá hòa vốn của các chứng quyền, có thể thấy tỉ lệ chiết khấu đang ở mức khá cao. Đơn cử, chứng quyền CHPG1902 đang có tỉ lệ thị giá trên giá hòa vốn là 53,83%, tức chứng quyền này cần phải tăng giá thêm gấp hơn hai lần để có thể hòa vốn.

cw4

Giá thị trường của các chứng quyền đang thấp hơn nhiều so với giá hòa vốn. Nguồn: ST tổng hợp

Nhiều chứng quyền sắp đạo hạn đang ở trạng thái lãi như CMWG1901, CFPT1901, CFPT1902 và CMBB1901. Trong khi đó, các chứng quyền mới phát hành lại đang có thị giá thấp hơn nhiều so với giá hoàn vốn.

Theo đó, giá cổ phiếu trên thị trường cơ sở cần tăng với tỉ lệ trên 20% mới có thể chạm tới mức giá hòa vốn, thậm chí cổ phiếu HPG cần tăng hơn gấp đôi.

Đây là điều không phải cổ phiếu nào cũng dễ dàng đạt được, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung đang diễn biến giằng co do những lo ngại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Do vậy, vẫn còn khá nhiều nghi ngờ về tính hấp dẫn của thị trường chứng quyền đối với nhà đầu tư.

Sơn Tùng