|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (26 - 30/8): 'Xả hàng' khi sắp đáo hạn, xuất hiện mã 'bốc hơi' 64% giá trị

07:11 | 03/09/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần qua diễn biến kém tích cực khi nhiều mã sắp đến ngày đáo hạn. Thanh khoản thị trường giảm sút, trong khi khối ngoại vẫn "miệt mài" bán ròng.

Thêm 4 chứng quyền mới được đưa vào giao dịch

Phiên giao dịch ngày 30/8, thị trường ghi nhận sự tham gia của 4 mã chứng quyền mới được xây dựng dựa trên các cổ phiếu HPG, MSN, VIC, VRE do Chứng khoán KIS Việt Nam  phát hành.

cw

Thêm 6 mã chứng quyền mới được giao dịch ngày 12/7. (Nguồn: ST tổng hợp)

Tổng khối lượng phát hành thêm là 11,3 triệu chứng quyền, với cùng kì hạn 3 tháng. Trong đó, chứng quyền HPG và VRE có tỉ lệ chuyển đổi 2:1 còn chứng quyền MSN và VIC có tỉ lệ 5:1.

Với việc có 5 mã chứng quyền mới, tổng số mã chứng quyền giao dịch trên thị trường được nâng lên trong 20 mã, trong đó KIS và chứng khoán SSI là hai đơn vị phát hành nhiều mã chứng quyền nhất tính đến thời điểm 30/8 với cùng số lượng 6 mã.

"Xả hàng" khi nhiều mã sắp đến ngày đáo hạn

Thị trường chứng quyền tuần tuần 26 - 30/8 diễn biến kém tích cực khi hầu hết các mã đều giảm giá, trong đó xuất hiện nhiều mã giảm giá ở mức hai con số.

cw1

Thị trường chứng quyền diễn biến kém tích cực tuần 26 - 30/8. (Nguồn ST tổng hợp)

Về tổng quan, tuần giao dịch vừa qua ghi nhận tới 15 mã chứng quyền giảm giá và có duy nhất một mã tăng giá, mức giảm trung bình là 14,45%. Trong đó, chứng quyền HPG bị xả mạnh với sự góp mặt 4 mã trong 5 mã giảm mạnh nhất thị trường.

Cụ thể, chứng quyền CHPG1901 do Chứng khoán MBS phát hành mất 64% giá trị, xuống còn 360 đồng/cw. Chứng quyền CHPG1903 của Chứng khoán VPS cũng giảm tới gần 60%, thiết lập nên mức giá thấp kỉ lục với chỉ 310 đồng/cw.

Trong khi đó, hai mã CHPG1904 và CHPG1905 của SSI giảm lần lượt 28,33% và 9,27%; còn lại chứng quyền CHPG1902 của KIS giảm 7,55%.

Cùng với chứng quyền HPG, chứng quyền duy nhất dựa trên cổ phiếu PNJ là CPNJ1901 cũng giảm đáng kể trong tuần qua, từ 2.430 đồng/cw xuống còn 1.700 đồng/cw, tương ứng tỉ lệ giảm 30,04%.

Bên cạnh đó, các nhóm chứng quyền còn lại cũng giao dịch kém tích cực với mức giảm trải đều trong khoảng từ 3 - 5%.

Ở chiều ngược lại, CMBB1901 của SSI là chứng quyền duy nhất tăng giá trong tuần qua, với mức tăng 1,89% lên 2.700 đồng/cp.

Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước

Cùng chiều với diễn biến giá, thanh khoản thị trường chứng quyền cũng giảm đáng kể trong tuần giao dịch vừa qua. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch chứng quyền toàn thị trường đạt 7,39 triệu đơn vị, giảm 6,1% so với tuần trước; giá trị giao dịch đạt 22,98 tỉ đồng, giảm 32,7%.

Chứng quyền CFPT1901 ghi nhận mức sụt giảm thanh khoản mạnh nhất khi giá trị giao dịch giảm tới hơn 80% xuống còn 0,39 tỉ đồng; khối lượng giao dịch cũng giảm 79,4%.

Hai chứng quyền MWG là CMWG1903 và CMWG1904 cũng có khối lượng và giá trị giao dịch giảm trên 60%. Cùng với đó, nhiều mã có khối lượng giảm ở mức hai con số nhứ CVNM1901; CHPG1902; CFPT1902; CFPT1901; CMWG1902; CHPG1904.

Trong khi đó, chứng quyền CHPG1901 tăng 186,8% khối lượng giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch tăng 62,9%. Chứng quyền CMBB1902 cũng có thanh khoản tăng lên hơn gấp đôi, đồng thời là mã có khối lượng giao dịch cao nhất tuần qua với gần 1,5 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã còn lại cũng ghi nhận thanh khoản tăng như CHPG1903; CMWG1901; CMBB1901 và CPNJ1901.

cw2

Giá trị giao dịch chứng quyền giảm đáng kể trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Về vốn hóa thị trường, trong tuần qua do hầu hết các chứng quyền đều giảm giá dẫn đến vốn hóa thị trường cũng giảm tương ứng. Theo đó, tính đến hết ngày 30/8, vốn hóa toàn thị trường chứng quyền ở mức 144,44 tỉ đồng, giảm gần 7 tỉ đồng so với thời điểm cuối tuần trước đó.

Trong đó, chứng quyền CHPG1901 có vốn hóa giảm mạnh nhất khi bốc hơi mất 64% giá trị, xuống còn 0,72 tỉ đồng. Ngược lại, duy nhất chứng quyền CMBB1901 có vốn hóa tăng lên với 0,15 tỉ đồng.

Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng

Trong tuần giao dịch 26 - 30/8, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng quyền với khối lượng bán ròng 723.180 đơn vị, tương ứng giá trị bán 940 triệu đồng.

cw3

Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên thị trường chứng quyền. (Nguồn: ST tổng hợp từ HOSE)

Cụ thể, khối ngoại bán 736,740 chứng quyền, chiếm 10% tổng khối lượng toàn thị trường, tuy nhiên giá trị bán ít hơn với tỉ lệ 4,2% toàn thị trường, tương ứng 0,97 tỉ đồng.

Trong khi đó, khối này mua vào chỉ 13.560 đơn vị với giá trị mua "vỏn vẹn" 30 triệu đồng, chiếm 0,1% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Cổ phiếu chứng quyền giao dịch phân hóa

Trên thị trường chứng khoán cơ sở, các cổ phiếu "nhóm chứng quyền" tiếp tục trải qua tuần giao dịch phân hóa với hai mã tăng giá, ba mã giảm giá và một mã đứng giá tham chiếu.

cw4

Cổ phiếu chứng quyền giao dịch phân hóa trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Trong đó, cổ phiếu MBB ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 2% lên 23.100 đồng/cp, thậm chí nếu không bị bán mạnh vào phiên thứ Sáu, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng tới hơn 3%.

Mới đây, quĩ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) đăng kí bán toàn bộ 2,8 triệu cổ phiếu MBB đang sở hữu (0,13% vốn điều lệ) theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn HOSE. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 3/9 đến ngày 2/10.

Ngược lại, cổ phiếu HPG chứng kiến tuần giao dịch kém tích cực khi giảm giá 5,1% xuống còn 22.200 đồng/cp. Hai mã FPT và PNJ cũng giảm lần lượt 2,4% và 0,7%.

Sơn Tùng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.