Thị trường chứng quyền tuần (19 - 23/8): Thanh khoản giảm mạnh khi sắp đáo hạn, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Thị trường phân hóa với ưu thế nghiêng về chiều giảm giá
Ghi nhận trong tuần qua, thị trường chứng quyền diễn biến kém tích cực. Cụ thể, toàn thị trường có 9 mã giảm giá so với 5 mã tăng giá, còn lại hai mã đứng giá; mức độ thay đổi giá trung bình là âm 4%.
Thị trường chứng quyền diễn biến phân hóa trong tuần 19 - 23/8. (Nguồn: ST tổng hợp)
Thống kê cho thấy, hầu hết những chứng quyền giảm giá đều tập trung vào các chứng quyền đáo hạn trong tháng 9, trong đó mã CPNJ1901 do Chứng khoán MBS phát hành dẫn đầu với mức giảm 22,86%.
Cũng chứng kiến mức giảm hai con số, chứng quyền CHPG1903 của Chứng khoán VPS và CHPG1901 của Chứng khoán MBS lần lượt giảm 17,2% và 13,04%. Một số mã khác có mức giảm nhẹ hơn như CMWG1901 của BSC (8,61%); ba mã của Chứng khoán SSI gồm CFPT1902 (7,11%); CHPG1904 (4,38%) và CMBB1901 (1,85%).
Trong các chứng quyền sắp đáo hạn trong tháng 9, duy nhất mã CFPT1901 của Chứng khoán VNDirect tăng 2,17%.
Đối với các mã còn lại, chứng quyền MBB1902 của Chứng khoán HSC tăng 8,11%; FPT1903 của Chứng khoán SSI tăng 6,8% và CHPG1902 của CHứng khoán KIS tăng 6%. Trong khi đó, hai chứng quyền MWG là CMWG1903 và CMWG1904 không có sự thay đổi về giá trong tuần qua.
Thanh khoản thị trường chứng quyền giảm mạnh so với tuần trước
Đi cùng với diễn biến kém tích cực về giá, thanh khoản thị trường chứng quyền cũng giảm mạnh trong tuần qua. Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn thị trường chứng quyền đạt 7,9 triệu đơn vị, giảm 39,9%; giá trị giao dịch đạt 34,16 tỉ đồng, giảm 40,2%.
Trong 5 chứng quyền có thanh khoản giảm mạnh nhất ghi nhận ba chứng quyền HPG và hai chứng quyền FPT. Trong đó, trong đó chứng quyền CHPG1904 dẫn đầu với mức giảm 72,8% trong khối lượng giao dịch và giảm 70,1% giá trị giao dịch. Bốn mã còn lại cũng giảm trên 50% khối lượng giao dịch, trong khi giá trị giao dịch giảm gần 50%.
Chứng quyền có khối lượng giao dịch nhiều nhất là CVNM1901 với 1,46 triệu đơn vị, tuy nhiên cũng giảm 43,4% so với tuần trước.
Ở chiều ngược lại, chứng quyền CMBB1902 ghi nhận khối lượng giao dịch tăng 99,3% lên hơn 700.000 đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 2,38 tỉ đồng, tăng 109,8%. Chứng quyền CHPG1903 tăng 15,2% khối lượng, nhưng giá trị giao dịch lại giảm 0,3%.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh trong tuần 19 - 23/8. (Nguồn: ST tổng hợp)
Về quy mô vốn hóa, việc các chứng quyền diễn biến kém khởi sắc khiến vốn hóa toàn thị trường giảm 2,86 tỉ đồng so với tuần trước, xuống còn 137,13 tỉ đồng.
Chứng quyền tác động nhiều nhất tới mức giảm vốn hóa thị trường là CMWG1902 khi vốn hóa mã này giảm 1,2 tỉ đồng. Một số mã khác cũng có vốn hóa giảm đáng kể như CFPT1902 (0,62 tỉ đồng), CPNJ1901(0,72 tỉ đồng), CMWG1901(0,68 tỉ đồng).
Ngược lại, các chứng quyền góp phần thu hẹp mức giảm vốn hóa thị trường gồm CFPT1903 (0,85 tỉ đồng); CMBB1902 (0,27 tỉ đồng); CFPT1901 (0,2 tỉ đồng).
Khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng
Trong tuần giao dịch 19 - 23/8, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng, tuy nhiên mức độ bán có giảm nhẹ so với các tuần trước với khối lượng bán ròng 212.000 đơn vị và giá trị bán ròng 0,16 tỉ đồng.
Cụ thể, khối ngoại mua vào 465.220 đơn vị với giá trị 0,5 tỉ đồng, chiếm lần lượt 5,9% và 1,5% khối lượng và giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trong khi đó, khối này bán ra 677.220 đơn vị, tương ứng giá trị bán 0,66 tỉ đồng.
Khối ngoại vẫn chưa ngừng bán ròng. (Nguồn: ST tổng hợp)
Cổ phiếu "nhóm chứng quyền" giao dịch phân hóa
Giống như diễn biến trên thị trường chứng quyền, nhóm cổ phiếu cơ sở của các chứng quyền cũng giao dịch phân hóa trong tuần qua với ba mã tăng giá và ba mã giảm giá; mức thay đổi giá trung bình là 0,3%.
Diễn biến cổ phiếu "nhóm chứng quyền" tuần 19 - 23/8. (Nguồn: ST tổng hợp)
Dẫn đầu về mức tăng giá, cổ phiếu FPT vẫn tiếp tục chuỗi bứt phá với mức tăng 4,6% lên 54.400 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2019, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 50% và liên tục thiết lập những đỉnh giá mới.
Bên cạnh đó, chiều tăng giá còn có sự góp mặt của hai cổ phiếu HPG và MBB với mức tăng lần lượt 1,5% và 1,1%.
Trong diễn biến ngược lại, cổ phiếu MWG bắt đầu điều chỉnh sau khi tăng mạnh kể từ tháng 5. Tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu này ghi nhận mức giảm 0,7% xuống 116.500 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu PNJ bứt phá trong tháng 7 và tháng 8 nhờ hưởng lợi từ việc giá vàng tăng, tuy nhiên áp lực chốt lời khiến cổ phiếu này giảm 3,7% trong tuần qua, xuống còn 82.800 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu VNM giảm 0,9%, tương ứng mức giảm 1.100 đồng/cp xuống còn 123.000 đồng/cp.