|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (12 - 16/8): Bùng nổ với lợi suất 'hai con số', thanh khoản và vốn hóa đạt mức kỉ lục

20:10 | 18/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần 12 - 16/8 ghi nhận sự bùng nổ của hầu hết các nhóm chứng quyền với giá và thanh khoản đều tăng mạnh. Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng với khối lượng hơn 1,2 triệu đơn vị.

Hầu hết các chứng quyền đều mang lại lợi suất ở mức hai con số

Ghi nhận trong tuần giao dịch 12 - 16/8, thị trường chứng quyền diễn biến khởi sắc với 15 mã tăng giá và duy nhất một mã giảm giá, lợi suất trung bình cả thị trường đạt 25%.

cw1

Diễn biến thị trường chứng quyền tuần 12/8 - 16/8. (Nguồn: ST tổng hợp)

Chứng quyền FPT dẫn đầu về mức tăng giá trong tuần qua với tỉ lệ trung bình hơn 55%. Cụ thể, hai mã CFPT1902 và CFPT1903 do Chứng khoán SSI phát hành tăng lần lượt 70,77% và 55,09%. 

Trong đó, CFPT1902 tăng từ 5.850 đồng/cw lên 9.990 đồng/cw; CFPT1903 tăng từ 8.060 đồng/cw lên 12.500 đồng/cw. Chứng quyền còn lại CFPT1901 của VNDirect tăng 39,39% từ 3.300 đồng/cw lên 4.600 đồng/cw.

Cùng xu hướng tích cực, chứng quyền duy nhất dựa trên cổ phiếu PNJ là CPNJ1901 của Chứng khoán MBS phát hành ghi nhận mức lợi suất 32,91% trong tuần qua, tương ứng mức tăng 780 đồng/cw lên 3.150 đồng/cw.

Bên cạnh đó, hai chứng quyền MBB cũng chứng kiến giao dịch khởi sắc với mã CMBB1901 của SSI tăng 17,9% và mã CMBB1902 của HSC tăng 11%.

Ở diễn biến khác, chứng quyền HPG phân hóa mạnh. Trong đó, chứng quyền CHPG1904 của SSI tăng 46,78% lên 2.510 đồng/cw; các mã CHPG1901, CHPG1905 và CHPG1903 tăng lần lượt 30,68%; 26,56% và 14,81%. Ngược lại, riêng chứng quyền CHPG1902 của Chứng khoán KIS giảm 5,66% xuống còn 500 đồng/cw.

"Ế khách" Chứng quyền họ Vingroup và Masan

Mới đây, chứng khoán KIS cũng chào bán thêm tổng cộng 11,3 triệu chứng quyền dựa trên các cổ phiếu HPG, MSN, VIC và VRE. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này chỉ phân phối được 10.000 chứng quyền MSN.

Theo một số chuyên gia, nguyễn nhân dẫn đến tình trạng "ế ẩm" là do các chứng quyền này đều có giá hòa vốn tương đối cao, khoảng 30% so với giá cổ phiếu trên thị trường.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh, vốn hóa đạt gần 140 tỉ đồng

Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng quyền ghi nhận thanh khoản cao kỉ lục tính đến thời điểm hiện tại với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu đơn vị, tăng 44,6% so với tuần trước; giá trị giao dịch đạt 57,11 tỉ đồng, tăng 59,7%.

Cùng với diễn biến tích cực về giá, thanh khoản của nhiều chứng quyền cũng tăng đột biến so với tuần trước; dẫn đầu là CHPG1904 tăng gần ba lần khối lượng giao dịch, theo đó giá trị giao dịch tăng gấp gần 4 lần.

Theo sau đó, nhiều mã chứng quyền cũng ghi nhận khối lượng giao dịch tăng bằng lần như CFPT1901 (139,1%); CPNJ1901 (134,2%); CMBB1901 (134,1%); CHPG1901 (110,5%).

Ở chiều ngược lại, chứng quyền CMWG1902 ghi nhận khối lượng giao dịch sụt giảm 82,4%, tương ứng giá trị giao dịch giảm 75,2%. Chứng quyền CHPG19045 cũng giảm 36,4% khối lượng và 21,4% giá trị giao dịch.

Trong khi đó, khối lượng giao dịch của hai mã CMBB1902 và CMWG1901 giảm lần lượt 2,6% và 15%, tuy nhiên giá trị giao dịch vẫn cải thiện nhờ giá chứng quyền tăng.

cw2

Thanh khoản thị trường chứng quyền tăng mạnh trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Song song với việc đạt kỉ lục về thanh khoản, sự khởi sắc của các mã chứng quyền trong tuần qua đã thúc đẩy vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tính đến hết ngày 16/8, vốn hóa thị trường chứng quyền là 139,98 tỉ đồng, tăng thêm 24,74 tỉ đồng so với tuần trước.

Trong đó, mã đóng góp nhiều nhất vào vốn hóa thị trường là CMWG1904 với 35 tỉ đồng, đây cũng là mã có vốn hóa tăng mạnh nhất với 4,86 tỉ đồng. Ngược lại, mã có vốn hóa nhỏ nhất hiện tại là CHPG1902 với 1,5 tỉ đồng, đồng thời là mã duy nhất có vốn hóa giảm trong tuần qua.

Khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng

Nếu như trong tuần trước, khối ngoại mua ròng "vỏn vẹn" 0,05 tỉ đồng thì trong tuần giao dịch 12 - 16/8, khối này tiếp tục quay lại xu hướng bán ròng với khối lượng bán ròng 1,2 triệu đơn vị và giá trị 1,26 tỉ đồng.

cw3

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng. (Nguồn: ST tổng hợp)

Cụ thể, khối ngoại mua vào 1,3 triệu đơn vị, chiếm 9,9% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chứng quyền; giá trị mua vào 1,41 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 2,5% tổng giá trị giao dịch thị trường.

Trong khi đó, khối này bán ra 2,5 triệu đơn vị, chiếm tới 19,1% khối lượng toàn thị trường, tương ứng giá trị bán 2,67 tỉ đồng.

Cổ phiếu "nhóm chứng quyền" giao dịch khởi sắc

Ghi nhận trong tuần vừa qua, hầu hết cổ phiếu cơ sở của các chứng quyền giao dịch khởi sắc với 5 mã tăng giá và một mã giảm giá, tỉ lệ tăng giá trung bình là 2%.

cw4

Diễn biến nhóm cổ phiếu chứng quyền trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)

Dẫn đầu cả nhóm, cổ phiếu MBB tăng 4,4% từ 21.450 đồng/cp lên 22.400 đồng/cp. Theo sau đó, cổ phiếu VNM tăng 2,6% lên 124.100 đồng/cp.

Diễn biến khác, ba mã PNJ, FPT và MWG tăng mạnh trong những phiên đầu tuần, tuy nhiên bất ngờ bị bán mạnh, đặc biệt là thời gian cuối phiên cuối tuần khiến mức tăng giá bị thu hẹp đi đáng kể.

Cụ thể, cổ phiếu MWG tăng 1,2% lên 117.300 đồng; mức giá cao nhất đạt được là 122.400 đồng/cp, tương ứng tăng 5,6%. Hai mã PNJ và FPT ghi nhận mức tăng lần lượt 2,1% và 1,8%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG giảm nhẹ 0,2%, xuống còn 23.050 đồng/cp.

Sơn Tùng