Thêm một công ty BĐS trên bờ vực vỡ nợ, cuộc khủng hoảng nhà đất Trung Quốc chưa thấy đáy
Tín hiệu đáng lo
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi.
Gần đây, tiếng chuông cảnh báo lại tiếp tục gióng lên khi cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc yêu cầu các công ty bảo hiểm hàng đầu báo cáo về rủi ro liên quan tới China Vanke, công ty phát triển bất động sản lớn thứ 4 đất nước tính theo doanh thu.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lĩnh vực nhà đất vẫn chưa vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất. Tình hình của Vanke đặc biệt đáng lo ngại bởi nó cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản đang làm tổn thương ngay cả những công ty xây dựng lớn cho đến nay đã tránh được cảnh vỡ nợ.
Ông Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cấp cao thuộc Lucror Analytics, dự đoán: “Các chính sách gần đây của chính phủ Trung Quốc đã giúp kìm hãm đà giảm, nhưng có lẽ phải một hoặc hai năm nữa thị trường bất động sản Trung Quốc mới chạm đáy. Chúng ta không thể loại trừ khả năng thêm một vài doanh nghiệp nữa sẽ vỡ nợ trong năm tới, tuy nhìn chung tỷ lệ vỡ nợ sẽ thấp hơn nhiều trước đây”.
Bắc Kinh không giải cứu
Trong vài năm qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ ngành bất động sản, bao gồm giảm lãi suất, nới lỏng hạn chế mua nhà và đảm bảo cho các đợt chào bán trái phiếu của những nhà phát triển có hoạt động kinh doanh tương đối vững vàng.
Tuy nhiên, các biện pháp giúp đỡ cho tới nay chỉ tập trung vào việc ngăn cản giá nhà sụp đổ và bảo vệ chủ sở hữu những căn nhà đang xây dang dở. Giới chức trách vẫn để mặc các doanh nghiệp từng một thời đứng đầu ngành như China Evergrande và Country Garden vỡ nợ.
Đó là lý do việc cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đặt câu hỏi về rủi ro của các công ty bảo hiểm đối với trái phiếu và nợ tư nhân của Vanke thu hút nhiều sự chú ý đến vậy.
Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Jefferies lưu ý: “Nếu doanh số bán bất động sản không phục hồi, hoạt động thanh lý tài sản diễn ra chậm chạp và các tổ chức tài chính trở nên thận trọng hơn và đòi hỏi thêm tài sản đảm bảo khi cấp vốn, chúng tôi nhận định Vanke có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản sớm hơn dự kiến. Chúng tôi vẫn dự đoán xác suất Vanke được chính phủ Trung Quốc giải cứu là dưới 50%”.
Trái phiếu đồng USD đáo hạn vào năm 2027 của Vanke đang được giao dịch ở mức bằng 49% mệnh giá, cho thấy có sự nghi ngờ lớn đối với khả năng trả nợ của công ty này.
Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, công ty xây dựng New World Development của ông trùm bất động sản Henry Cheng ở Hong Kong đang cố thuyết phục các ngân hàng gia hạn thanh toán cho một số khoản vay. New World có tổng nghĩa vụ nợ lên đến 28,3 tỷ USD và mới đây vừa ghi nhận năm đầu tiên thua lỗ trong hai thập kỷ. Giá cổ phiếu công ty này lao dốc 57% trong năm nay.
Các khó khăn của New World là dấu hiệu đáng ngại cho thấy rắc rối bất động sản của Trung Quốc đang lan ra khỏi thị trường đại lục. Báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy 73% doanh thu đầu tư và phát triển bất động sản của công ty đến từ Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó thì Parkview Group, nhà phát triển bất động sản hạng sang ở Hong Kong, đang tìm kiếm người mua lại khu phức hợp thương mại mang tính biểu tượng của họ ở khu vực trung tâm Bắc Kinh. Parkview buộc phải chia tay với tài sản mang ý nghĩa quan trọng này bởi chi phí chi trả nợ đã vượt quá khả năng xoay sở của họ.