Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 nhưng vẫn còn nỗi lo bên dưới những con số
Đạt mục tiêu tăng trưởng GDP
Theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17/1, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 5,4% trong quý cuối cùng của năm 2024.
Con số này vượt trội hơn hẳn dự báo 5% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, đồng thời cũng cao hơn mức 4,6% ghi nhận trong quý III, 4,7% trong quý II và 5,3% trong quý I.
Nhờ kết quả của quý IV, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong cả năm 2024, phù hợp với mục tiêu chính thức mà Bắc Kinh đề ra là “khoảng 5%”.
Trong một lưu ý, ông Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management - đánh giá: “Sự thay đổi lập trường chính sách vào tháng 9 năm ngoái đã giúp nền kinh tế ổn định trong quý IV...”
Tuy nhiên, ông Zhang lưu ý Trung Quốc “vẫn cần có các biện pháp kích thích lớn và liên tục để thúc đẩy động lực kinh tế và duy trì đà phục hồi”.
Trong tháng 12, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo 3,5% của các nhà kinh tế. Sản lượng công nghiệp mở rộng 6,2%, vượt ước tính 5,4%. Song, hai thước đo này cho thấy rõ tình trạng mất cân đối giữa sản lượng công nghiệp và nhu cầu của người dân Trung Quốc.
Báo cáo của NBS còn chỉ ra đầu tư tài sản cố định cả năm 2024 tăng 3,2%, thấp hơn dự báo 3,3%. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tụt 10,6%, là nguyên nhân chính khiến đầu tư trong toàn nền kinh tế đi xuống.
Ông Kang Yi, người đứng đầu NBS, nhấn mạnh lĩnh vực bất động sản đang phục hồi. Ông nói lực cản của ngành này đối với tăng trưởng kinh tế đã thu hẹp, trong khi vai trò của các động lực mới như công nghệ kỹ thuật số đang gia tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị nhích lên 5,1% vào tháng 12, nhỉnh hơn một chút so với mức 5% vào tháng trước đó.
Thu nhập khả dụng của cư dân thành thị tăng 4,4% trong cả năm 2024, chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, trong khi thu nhập của người dân nông thôn đi lên 6,3%.
Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán đại lục đã đảo chiều đi lên sau loạt dữ liệu mới. Đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài nhích nhẹ lên mức 7,3398 tệ đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản xuống còn 1,638%, theo LSEG.
Chiến lược gia Zhu Chaoping của JP Morgan Asset Management nhận định: “Phản ứng vừa phải của thị trường chứng khoán đối với các dữ liệu công bố hôm nay phản ánh sự thận trọng của các nhà đầu tư bởi họ đang chờ đợi thêm thông tin về chính sách kích thích sau Tết Nguyên đán”.
Nỗi lo về tăng trưởng, nhân khẩu học
Một số chuyên gia lập luận rằng đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể không tươi sáng như các số liệu chính thức chỉ ra.
Mặc dù GDP thực tế tăng tốc, nền kinh tế tỷ dân vẫn phải chứng kiến tình trạng giảm phát kéo dài trong quý thứ 7 liên tiếp, ông Larry Hu, nhà kinh tế cấp cao tại Macquarie, lưu ý.
Ông Hu hoài nghi rằng liệu Bắc Kinh có thể kéo lạm phát lên cao hơn hay không. “Chúng tôi tin tưởng vào ý chí và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025..., nhưng liệu Trung Quốc có thể đạt mức lạm phát cao hơn?”, ông đặt câu hỏi.
Theo vị chuyên gia, câu trả lời chủ yếu phụ thuộc vào các gói kích thích tài khoá và nhà ở trong tương lai, vì chúng là chìa khoá để thúc đẩy nhu cầu tại Trung Quốc.
Các dữ liệu mà NBS công bố hồi tuần trước cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn mức 0 một chút, trong khi giá bán buôn đã giảm trong tháng thứ 27 liên tiếp vào tháng 12.
Phát biểu trước báo giới, ông Kang, người đứng đầu NBS, nhấn mạnh rằng ưu tiên của Bắc Kinh trong năm nay là thúc đẩy tiêu dùng. Nhà lãnh đạo này lưu ý rằng sức mua của người dân vẫn còn yếu.
Các dữ liệu mới được công bố chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng tương lai nói rằng ngay sau khi ông nhậm chức, ông có kế hoạch áp thuế quan bổ sung ít nhất 10% lên hàng hoá Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Trump cũng đã bổ nhiệm một số người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc vào những vị trí chủ chốt trong nội các.
Bà Erica Tay, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, cho biết động lực tăng trưởng của Trung Quốc (vốn được thúc đẩy nhờ lĩnh vực xuất khẩu) có thể duy trì trong quý đầu tiên của năm 2025.
Tuy nhiên, động lực đó nhiều khả năng sẽ đè nặng lên tăng trưởng GDP quý nửa cuối năm, “bất kể ông Trump có áp dụng thuế quan hay không” vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đã tích luỹ lượng lớn hàng hoá từ trước.
Cũng theo NBS, dân số Trung Quốc đã giảm còn 1,408 tỷ người vào năm 2024, thấp hơn năm 2023 khoảng 1,39 triệu người. Đây là năm thứ ba liên tiếp dân số Trung Quốc sụt giảm.
Chuyên gia gia kinh tế Xu Tianchen của Economic Intelligence United cảnh báo dân số giảm dù tỷ lệ sinh tăng trở lại phản ánh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang ngày càng sâu sắc tại Trung Quốc.
Ông Xu nhấn mạnh tỷ lệ tử tại Trung Quốc đã tăng từ mức 7,1% trước đại dịch lên 7,76% vào năm 2024.