|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá cả ở Trung Quốc rơi tự do, Bắc Kinh chật vật tìm kiếm giải pháp

14:54 | 16/12/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang tích cực đẩy hàng hóa ra một thị trường đã bão hòa, gây ra vòng xoáy giảm phát nguy hiểm.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước trong 26 tháng liên tiếp. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Mối nguy nghiêm trọng

Trong quá khứ, giấy là một trong những phát minh quan trọng của Trung Quốc. Còn ở thì hiện tại, rắc rối của Trung Quốc là nước này đang sản xuất quá nhiều giấy.

Shandong Chenming Paper, một trong những nhà sản xuất giấy lớn nhất Trung Quốc, đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất. Công ty chọn sử dụng chiến lược kinh điển là hạ giá bán để đẩy nguồn cung ra ngoài và chờ cho cơn bão đi qua.

Trái với dự kiến, lỗ của Shandong ngày càng chồng chất. Các chủ nợ đã khởi kiện và một số tài khoản ngân hàng của công ty đã bị đóng băng.

Shandong chỉ là một trong số vô vàn những nạn nhân của tình trạng giá cả giảm sút tại Trung Quốc. Các nhà máy trên khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều đang vật lộn với công suất dư thừa và nhu cầu yếu kém.

Nếu Bắc Kinh không có biện pháp để ngăn áp lực giảm phát ngày càng trở nên trầm trọng, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay. 

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm so với cùng kỳ năm trước trong 26 tháng liên tiếp và có rất ít dấu hiệu sẽ sớm phục hồi. Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator), thước đo tổng quát về giá cả trên toàn nền kinh tế, đã xuống dưới mức 0 trong 6 quý liên tiếp - khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối thập niên 1990.

 

Nếu một cuộc chiến thương mại mới nổ ra dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, Trung Quốc sẽ càng khó xuất khẩu công suất dư thừa sang Mỹ, khiến nước này có thêm nhiều hàng hóa mà thị trường nội địa không thể hấp thụ.

Nỗi lo của giới chuyên gia là giảm phát đang bám rễ sâu vào nền kinh tế Trung Quốc. Giá giảm đẩy biên lợi nhuận đi xuống, có thể khiến doanh nghiệp trì hoãn đầu tư hoặc sa thải người lao động, càng khiến nhiều người cắt giảm chi tiêu.

Những người khác có thể trì hoãn việc mua sắm để chờ giá xuống sâu hơn nữa. Bà Penelope Prime, Giám đốc China Research Center, cảnh báo: “Giảm phát có thể trở thành vòng lặp tai hại”.

Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc đạt 0,2% trong tháng 11, thấp hơn nhiều ngưỡng 2% mà các ngân hàng trung ương thường lấy làm tiêu chuẩn.

Và nhiều nhà kinh tế đặc biệt chú ý tới lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc - dữ liệu phản ánh giá cả ở cấp độ nhà máy - do nước này phụ thuộc nhiều vào sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng.

Cách làm kém hiệu quả

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm củng cố nền kinh tế, bao gồm giảm lãi suất và phê chuẩn kế hoạch hoán đổi nợ trị giá 1.400 tỷ USD cho các chính quyền địa phương.

Tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc cam kết sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện chính sách tài khóa và “nới lỏng vừa phải” chính sách tiền tệ trong năm tới. Các nhà lãnh đạo cũng hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu nội địa và ổn định thị trường nhà ở.

Cho tới nay, chính sách của Bắc Kinh có vẻ vẫn chưa ngăn được đà giảm của giá cả, một phần là do chúng chỉ tập trung kìm hãm rủi ro tài chính trước mắt thay vì thúc đẩy tiêu dùng trong lâu dài.

Lý do khác là Bắc Kinh đang gia hạn nợ vay và trợ cấp cho các nhà máy. Cách làm này hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại khuếch đại rắc rối của nguồn cung dư thừa và gây áp lực lên giá cả.

 

Shandong Chenming Paper đã cắt giảm gần 75% công suất sản xuất giấy. Nhưng những công ty khác vẫn đang cố gắng cho xuất xưởng nhiều giấy hơn nữa.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng giấy và bìa của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2024  tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc cho giá giấy bán buôn liên tục giảm kể từ tháng 10/2022.

Những ngành khác cũng gặp tình huống tương tự. Ông William Li, CEO hãng xe điện NIO, bình luận vào tháng 9 rằng các nhà sản xuất ô tô dùng động cơ đốt trong của Trung Quốc đang lún sâu vào vũng bùn giảm giá và làm tổn thương lợi nhuận. Trong khi đó, sản lượng xe cộ ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Nomura dự kiến lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc sẽ ở mức âm 1,2% trong năm 2025, trong khi Macquarie đưa ra con số âm 1%.

Rắc rối là một khi kỳ vọng về giá của người tiêu dùng bám chặt vào nền kinh tế, xu hướng đó rất khó đảo ngược. Nhật Bản đã phải trả giá đắt trong quá khứ.

Khi bong bóng chứng khoán và bất động sản đổ vỡ vào thập niên 1990, người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản đã tập trung trả nợ thay vì chi tiêu hay đầu tư dù lãi suất đã giảm xuống mức 0. Kết quả là đất nước mặt trời mọc rơi vào ba thập kỷ tăng trưởng yếu kém và giảm phát dai dẳng.

Ông Richard Koo, nhà kinh tế sáng tạo ra thuật ngữ “suy thoái bảng cân đối kế toán” để mô tả tình trạng của Nhật Bản, đánh giá Trung Quốc đang đối mặt với tình huống tương tự.

Bài học quá khứ

Trong những giai đoạn giảm phát trước đây, Trung Quốc từng sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990, giá sản xuất tại Trung Quốc đã giảm 31 tháng liên tiếp. Bắc Kinh chọn giải pháp đau đớn là hạn chế công suất dư thừa. Dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, nhiều doanh nghiệp nhà nước phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến sa thải hàng loạt.

Giá xuất xưởng của hàng hóa Trung Quốc cũng giảm 4 năm liên tiếp từ 2012 đến 2016, chủ yếu do sản lượng lốp xe, pin mặt trời,... quá dư thừa. Giới lãnh đạo Trung Quốc phản ứng bằng cách đóng cửa các nhà máy thép không cần thiết và nhiều nhà máy khác. 

Lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng sản xuất. Nguồn tin thân cận của WSJ cho biết ông Tập coi kiểu mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng như Mỹ là lãng phí.

Điểm khác biệt lớn giữa khi xưa và thời nay là nền kinh tế Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chậm hơn trước. GDP hàng năm của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ khoảng 7% trong năm 2015 và 2016. Quý III năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 4,6% và nhiều nhà kinh tế nghĩ rằng số liệu năm sau sẽ yếu hơn thế.

Giang