|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc lên đỉnh 5 tháng, giá sản xuất giảm phát 28 tháng liền

17:47 | 09/02/2025
Chia sẻ
Vào tháng 1, lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc đã vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng nhưng giá sản xuất vẫn tiếp tục xu hướng giảm phát.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 9/2, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố một báo cáo quan trọng về lạm phát.

Báo cáo cho thấy vào tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cao hơn mức 0,1% ghi nhận vào tháng 12 và vượt ước tính 0,4% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters.

Khi loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, CPI lõi đi lên 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng cao hơn mức 0,4% ghi nhận vào tháng 12.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,3% so với cùng kỳ vào tháng 1, đi ngang so với kết quả vào tháng 12 nhưng rớt sâu hơn ước tính giảm 2,1% của các nhà kinh tế. Cho đến nay, PPI đã rơi vào vùng giảm phát trong 28 tháng liên tiếp.

Các nhà phân tích cho rằng áp lực giảm phát có khả năng sẽ tiếp diễn tại Trung Quốc trong năm nay, trừ khi các nhà hoạch định chính sách có thể vực dậy nhu cầu trì trệ trong nước.

Giữa lúc đó, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hoá Trung Quốc có thể gây thêm áp lực, buộc chính quyền Bắc Kinh phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế Xu Tianhen của Economist Intelligence Unit cho biết trong khi giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng dần, giá sản xuất tại Trung Quốc khó có thể trở lại mức dương trong ngắn hạn vì tình trạng dư thừa công suất công nghiệp vẫn tiếp diễn.

“Nếu đo bằng chỉ số giảm phát GDP, Trung Quốc vẫn cần vài quý nữa mới thoát khỏi tình trạng giảm phát”, ông Xu nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

 

Báo cáo mới của NBS chịu ảnh hưởng của các yếu tố mùa vì Tết Nguyên đán năm nay diễn ra vào tháng 1 thay vì tháng 2 như năm ngoái. Giá cả thường tăng trong giai đoạn này khi người tiêu dùng tích trữ hàng hoá, đặc biệt là thực phẩm cho các buổi hội họp gia đình.

Theo NBS, trong tháng 1, giá vé máy bay đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, chi phí du lịch đi lên 7% và giá vé xem phim, biểu diễn nghệ thuật tăng 11%.

Tuy nhiên, báo cáo chi tiêu của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ không đồng đều, phản ánh lo ngại của người dân Trung Quốc về tiền lương và vấn đề việc làm.

Mặc dù người dân đổ xô đến rạp chiếu phim và chi tiền nhiều hơn cho mua sắm, ăn uống và du lịch trong nước, chi tiêu bình quân đầu người trong kỳ nghỉ lễ chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thấp hơn hẳn mức tăng 9,4% ghi nhận vào năm ngoái, các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ ước tính.

Nhìn lại số liệu năm 2024, CPI Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%. Như vậy, lạm phát đã không đạt mục tiêu hàng năm trong năm thứ 13 liên tiếp.

Theo ông Bruce Pang, Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh CUHK, các tỉnh thành tại Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 với mục tiêu lạm phát dưới 3%. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã lường trước áp lực về mặt giá cả.

Trước số liệu mới của NBS, các báo cáo khác cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ thu hẹp vào tháng 1, trong khi ngành dịch vụ suy yếu. Loạt số liệu này khiến giới chuyên gia tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh bơm thêm kích thích.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay, nhưng các mức thuế quan mới của Mỹ sẽ gây áp lực lên xuất khẩu, một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế tỷ dân vào năm ngoái.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ hoặc tài khoá trước phiên họp quốc hội thường niên vào tháng 3 tới.

“Đối với các nhà hoạch định chính sách, ở giai đoạn này, sự bất ổn bên ngoài dường như được quan tâm hơn những thách thức kinh tế trong nước”, vị chuyên gia nói thêm.

Yên Khê