|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế khó của Trung Quốc

20:45 | 15/12/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đối mặt với một tình thế khó khăn: cần phải đưa ra các nhượng bộ thương mại với Mỹ nhưng cố gắng không để bị xem yếu thế hoặc lép vế trước Mỹ, theo South China Morning Post.
the kho cua trung quoc Doanh nghiệp Mỹ phải trả thêm 1 tỉ USD mỗi tháng cho thuế các sản phẩm công nghệ Trung Quốc
the kho cua trung quoc Tại sao Trung Quốc trả đũa Canada mà né Mỹ?

Rủi ro nếu công khai chấp thuận các yêu cầu của Mỹ

the kho cua trung quoc
Trung Quốc muốn nhượng bộ Mỹ để hóa giải chiến tranh thương mại nhưng không muốn bị xem là yếu thế. Ảnh: Industry Week

Tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Buenos Aires, Argentina hôm 1-12, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi đầu bằng phát biểu dài 30 phút, có các quan chức Mỹ có mặt tại cuộc gặp. Tuy nhiên vài ngày sau đó, thế giới và đặc biệt là người dân Trung Quốc biết rất ít về nội dung bài phát biểu đã giúp hạ nhiệt cuộc chiến thuế giữa Trung Quốc và Mỹ và mở ra tiến trình đàm phán trong 90 ngày.

Ngay lập tức sau đó, Nhà Trắng ra thông báo về thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung, cho biết Trung Quốc sẽ mua khối lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp của Mỹ, đồng thời sẵn sàng đàm phán về vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.

Mãi đến bốn ngày sau, Bắc Kinh mới xác nhận đây là các lĩnh vực nằm trong trọng tâm của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung nhưng sử dụng ngôn ngữ thận trọng hơn nhiều so với những mô tả của Washington về mức độ nhượng bộ của Trung Quôc.

Trong khi giới phân tích ở Mỹ và Trung Quốc cho biết họ dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục thận trọng trong việc tiết lộ các tiến triển trong đàm phán, quan điểm chung của họ là Trung Quốc muốn khẳng định cam kết các cải cách thị trường đã được mong chờ từ lâu.

Nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp cải cách theo yêu cầu của Mỹ, đây là bước đi rủi ro vì những cản lực của chủ nghĩa dân tộc mà nước này đã khơi dậy vào những ngày đầu tiên của cuộc chiến thương mại.

Wang Yong, Giám đốc Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, nhận định các cuộc đàm phán hiện nay giữa Trung-Mỹ rất phức tạp và “cực kỳ nhạy cảm”.

“Các nhượng bộ của Trung Quốc, nếu bị diễn giải thái quá, có thể làm gia tăng những vấn đề trong nền chính trị Trung Quốc và gây ra các tranh cãi. Ba tháng đàm phán là thời gian tương đối ngắn, vậy nên, Trung Quốc phải tránh gây rắc rối không cần thiết ở dư luận trong nước”.

Hôm 3-12, Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đăng toàn văn thông báo của Nhà Trắng bằng tiếng Hoa về kết quả cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung ở Buenos Aires trên mạng xã hội WeChat. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã kiểm duyệt để ngăn chặn văn bản này lan truyền rộng rãi.

David Zweig, giáo sư ngành khoa học chính trị ở Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông cho biết ông không tin Bắc Kinh muốn công bố những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ trong các cuộc đàm phán mới.

“Họ (Trung Quốc) hiểu rằng họ sẽ phải đưa ra các nhượng bộ lớn nhưng họ không muốn chúng được công bố rộng rãi nhất là giữa lúc đàm phán đang diễn ra”, Zweig nhận định,

Tự làm khó mình khi bày tỏ lập trường cứng rắn

Wu Qiang, nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, cho rằng lập trường cứng rắn trước đây của chính phủ Trung Quốc trong cuộc đấu thương mại với Washington phản ánh qua các bài xã luận đanh thép trên truyền thông nhà nước Trung Quốc và qua các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đặt Bắc Kinh vào tình thế khó khăn. Trong khi, lập trường chính thức của chính phủ Trung Quốc về chiến tranh thương mại đã dịu lại trong hai tháng qua, một số bình luận cứng rắn từ truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục vang vọng.

Nhiều tuần sau khi Washington tiến hành vòng áp thuế trừng phát thứ nhất nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo “một số người Mỹ” không nên đóng vai Don Quixote ở thế kỷ 17, tức muốn nhắn nhủ rằng chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump cần từ bỏ nỗ lực làm điều không thể như hiệp sĩ Don Quixote trong một cuốn tiểu thuyết của Tây Ban Nha, từng cố làm bao gồm đánh nhau với những chiếc cối xay gió.

Những phát biểu này trái ngược hoàn toàn với chiến lược thực sự của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Mỹ mà theo nhận xét của nhà phân tích Wu Qiang là “chấp nhận trả giá cao để đổi lấy đình chiến thương mại”.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc cũng làm dấy lên sự giận dữ của công chúng ở Trung Quốc. Trong những tháng tần đây, ngày càng có nhiều học giả, thậm chí các cựu quan chức Trung Quốc, lên tiếng chỉ trích cách quản lý chiến tranh thương mại của Bắc Kinh.

Tháng trước, Sheng Hong, một học giả thuộc về một câu lạc bộ các nhà kinh tế danh tiếng do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đồng thành lập trước đây, thẳng thắn nói cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ là “cuộc chiến giữa một bên là nhóm lợi ích quyền lực nhất Trung Quốc và một bên là nước Mỹ và nhân dân Trung Quốc”.

Nhóm lợi ích mà ông Sheng Hong muốn ám chỉ bao gồm chủ yếu các công ty nhà nước đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Không muốn bị xem là nhượng bộ Mỹ

Bắc Kinh đã rất thận trọng thiết kế về cách truyền thông điệp cho công chúng về các nhượng bộ đưa ra với Mỹ. Trong mỗi tuyên bố về các nhượng bộ có thể xảy ra, Bắc Kinh mô tả như thể chúng không phải là các nhượng bộ. Bắc Kinh nói rằng sẽ tăng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ nhằm đáp ứng “nhu cầu đang gia tăng của người dân Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng nói rằng các thay đổi về tiếp cận thị trường dành cho các công ty nước ngoài và bảo vệ tài sản trí tuệ là phục vụ lợi ích của các công ty Mỹ lẫn công ty Trung Quốc.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch thay thế chương trình hiện đại hóa ngành công nghiệp mang tên “Made in China 2025”, vốn bị ông Trump chỉ trích là chính sách bảo hộ. Song chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận điều này.

Trong khi Trung Quốc chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa kinh tế, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể chộp lấy cơ hội để củng cố thông điệp khích lệ về cải cách thị trường và các vấn đề khác quan trọng đối với phương Tây mà không bị nhìn nhận là nhượng bộ trước các yêu cầu của Mỹ và các nước phương Tây.

Jude Blanchette, cố vấn cấp cao ở công ty tư vấn Crumpton Group, nhận định: “Các biện pháp tự do hóa thị trường có thể được công bố như là một phần của gói cải cách cứu kinh tế trong nước và lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa cung cấp một cơ hội ngẫu nhiên để làm điều này”.

Shi Yinhong, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh kiêm cố vấn chính phủ Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc cần làm nhiều điều, chứ không chỉ là những lời nói, để thuyết phục phương Tây tin vào ý định mở cửa hoàn toàn các thị trường.

Ông nói: “Dù có chiến tranh thương mại hay không, Trung Quốc cần phải đào sâu và mở rộng các cải cách. Các tuyên bố cải cách là cần thiết nhưng Trung Quốc đã tuyên bố rất nhiều trong quá khứ. Trung Quốc đã hoàn thành một số mục tiêu cải cách nhất định, trong khi vẫn chưa thực hiện xong các cải cách khác. Và Mỹ giờ đây đang thực sự chú ý đến những gì Trung Quốc làm”.

Xem thêm

Chánh Tài