|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thái Lan muốn Việt Nam xem lại quyết định áp thuế đường gần 48%

14:56 | 21/06/2021
Chia sẻ
Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết sau 1 năm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan, nước này sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định trên.

Ngày 17/6, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Keerati Rushchano, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, sau khi thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp 47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan có hiệu lực được 1 năm, nước này sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định trên.

“Chúng tôi cho rằng vẫn còn một số điều không chắc chắn, như thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm đường của Thái Lan tại Việt Nam. Các nhà quản lý Thái Lan cần một lời giải thích rõ ràng và chính xác”, ông Keerati chia sẻ.

Trước đó, ngày 16/6, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức áp mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan trong 5 năm để thay thế mức thuế tạm thời được áp dụng hồi tháng 2.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương Việt Nam kết thúc cuộc điều tra được bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái.

Cuộc điều tra cho thấy đường được trợ giá từ Thái Lan đã tăng hơn 330% lên 1,3 triệu tấn vào năm 2020 và nhập khẩu đang làm suy yếu ngành đường trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết.

Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB) và Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) cho biết thuế chống bán phá giá của Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan.

"Các nhà kinh doanh và môi giới đường sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới", ông Ekapat Wangsuwan, Tổng thư ký OCSB, cho biết và nói thêm họ thường mua đường từ các nhà máy Thái Lan để bán lại cho nước ngoài theo kế hoạch tiếp thị của riêng họ.

Thái Lan là nhà sản xuất đường lớn thứ tư thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Brazil.

Ông Siriwut Siempakdi, Chủ tịch nhóm công tác quan hệ công chúng của TSMC, cho biết các nhà kinh doanh và môi giới đường đã xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo ông Siriwut các nhà sản xuất đường Việt Nam khó cạnh tranh vì chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn Thái Lan.

"Tuy nhiên, dù không ảnh hưởng gì đến các nhà máy đường Thái Lan, các quan chức ngành công nghiệp và thương mại vẫn được yêu cầu làm việc cùng nhau để làm rõ những nghi ngờ về vấn đề đường được trợ giá. Điều dễ hiểu là Việt Nam cần bảo vệ ngành mía đường của mình", ông Ekapat cho biết.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2021 của Bộ Công Thương Việt Nam, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%. 

Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.

"Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu với tác động biện pháp này để có các biện pháp phù hợp, đảm bảo hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định", Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Như Huỳnh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.