|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài nguyên có thể tái tạo (Renewable resources) là gì?

12:31 | 23/09/2019
Chia sẻ
Tài nguyên có thể tái tạo (tiếng Anh: Renewable resources) là nguồn tài nguyên sau khi sử dụng có thể tái sinh. Theo đó, nguồn tài nguyên này có mối quan hệ với việc phát triển bền vững cần được chú ý.
renewable-resources-organic-types-l

Hình minh họa (Nguồn: slideserve)

Tài nguyên có thể tái tạo 

Khái niệm

Tài nguyên có thể tái tạo trong tiếng Anh gọi là: Renewable resources.

Tài nguyên có thể tái tạo nhưng phải nhờ vào hoạt động của con người là nguồn tài nguyên sau khi sử dụng có thể tái sinh và ngày càng phong phú hơn nếu được sử dụng hợp lí, quản lí tốt như tài nguyên đất, nước, rừng, biển… 

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)

Đặc điểm nguồn tài nguyên có thể tái tạo 

- Trữ lượng có thể thay đổi, tăng hoặc giảm so với trữ lượng ban đầu nhất định và không thể tăng quá sức chứa của môi trường. 

- Có thể bị cạn kiệt nếu không được quản lí khai thác hợp lí. Ví dụ, nguồn cá ở một số vùng biển không được quản lí chặt chẽ thì các ngư dân khai thác tự do có thể sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt như dùng mìn đánh cá đã làm chết không chỉ cá mà cả các sinh vật khác trong vùng. 

- Sự tăng trưởng của một loài phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái mà chúng tồn tại. Các loài trong một hệ sinh thái tác động qua lại lẫn nhau phục vụ cho sự tồn tại của tự nhiên (loài này là thức ăn của loài kia). Nhưng khi nghiên cứu về tối ưu sử dụng tài nguyên chúng ta chỉ áp dụng nghiên cứu trên một loài. 

- Các loại tài nguyên có thể tái tạo khác nhau nên sử dụng tối ưu mỗi nguồn sẽ khác nhau.

Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên tái tạo 

Năng suất bền vững là năng suất khai thác tài nguyên đúng bằng mức tăng trưởng của tài nguyên đó. 

Ví dụ, xét trên một loài cá với trữ lượng đầu năm là 1000 con. Loài cá này tăng trưởng với tốc độ là 10% một năm, nghĩa là cuối năm trữ lượng của loài cá này là 1100 con. 

Nếu cuối năm đó chúng ta thu hoạch 100 con còn để lại 1000 con, năm sau cũng với tốc độ tăng trưởng 10%, lại khai thác 100 con để lại 1000 con... cứ như vậy thì lượng cá thu hoạch 100 con hàng năm được gọi là năng suất bền vững. Nghĩa là mức khai thác bằng đúng mức tăng trưởng của loài. 

Trên thực tế, hầu hết quá trình tăng trưởng của 1 loài (cá, gỗ) theo qui luật tự nhiên (hình 1) thì lúc đầu tăng trưởng nhanh dần đạt đến tốc độ tăng trưởng cực đại, sau đó số cá thể của loài tăng tạo ra sự cạnh tranh nhau về thức ăn, nơi cư trú, do vậy tốc độ tăng trưởng của loài chậm dần. 

Bởi vậy việc khai thác tại đúng thời điểm tốc độ tăng trưởng đạt cực đại sẽ đạt được sản lượng cao nhất. Tại đây mức khai thác bằng mức tăng trưởng gọi là năng suất bền vững cực đại (MSY). 

Chúng ta cũng phải chú ý rằng nếu khai thác ở mức năng suất bền vững cực đại MSY thì không nhất thiết khoảng thời gian phải là 1 năm mà có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1 năm tuỳ thuộc từng loài cũng như tuỳ thuộc vào hệ sinh thái mà loài đó tồn tại.

Mặt khác khi khai thác nguồn tài nguyên có thể tái tạo tại mức năng suất cực đại bền vững MSY được gợi ý khai thác nhưng trên thực tế việc khai thác và phục hồi các nguồn tài nguyên này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

Các yếu tố tự nhiên; các tiến bộ khoa học kĩ thuật; quyền sở hữu tài nguyên (sở hữu tư nhân hay sở hữu công cộng hay tài nguyên vô chủ); lợi nhuận của người khai thác.

tncttt

Hình 1. Ví dụ về sự tăng trưởng một loài cá theo thời gian

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Tài nguyên Môi trường, TS. Nguyễn Văn Song - TS. Vũ Thị Phương Thụy, 2006, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)

Tuyết Nhi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.