Quản lí chất thải theo nguyên lí 3R (The 3R's of Waste Management) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: mensagenscomamor)
Quản lí chất thải theo nguyên lí 3R
Khái niệm
Quản lí chất thải theo nguyên lí 3R trong tiếng Anh gọi là: The 3R's of Waste Management.
Quản lí chất thải theo nguyên lí 3R là: tái sử dụng chất thải (Reuse), tái chế chất thải (Recycling) và giảm thiểu chất thải (Reduce).
- Tái sử dụng chất thải (Reuse)
Ngay từ khi thiết kế qui trình công nghệ, ta phải đặt vấn đề là chất thải được tạo ra từ qui trình công nghệ này có thể tái sử dụng các chất thải của nó hay không?
Ví dụ: thiết kế nhà máy sản xuất bao bì sao cho sản phẩm của nó có thể sử dụng được nhiều lần, vừa giảm giá thành sản phẩm, vừa giảm được lượng phế thải bao bì.
- Tái chế chất thải (Recycling)
Tái chế chất thải là biến đổi tính chất của chất thải đó để chúng không còn là chất thải, mà được coi như một loại nguyên liệu cho một quá trình công nghệ khác. Như vậy, ta vừa loại được chất thải vừa tạo ra được sản phẩm cho xã hội, làm tăng thu nhập cho nhà máy hay cơ sở sản xuất.
- Giảm thiểu chất thải (Reduce)
Giảm thiểu chất thải ở các khu vực dân cư hay các cơ sở sản xuất có liên quan không chỉ đến công nghệ mà còn liên quan đến việc quản lí, ở tầm vi mô và vĩ mô. Nhiều khi chỉ cần đưa ra một qui định, hoặc một chính sách khuyến khích nào đó, cũng làm giảm một khối lượng rất lớn chất thải vào môi trường.
Các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải có thể triển khai tại các bộ phận thực hiện như sau
– Những chất thải có vấn đề định tính độc hại thì có thể chuyển hoá để trở nên ít độc hại hơn.
– Những chất thải có vấn đề về định lượng thì sẽ tìm cách giảm về khối lượng bằng cách giảm về thể tích, hay giảm về trọng lượng hoặc chuẩn bị cho nó có khả năng tái sinh.
Cả ba vấn đề trên phải được thực hiện đồng bộ, nhiều quốc gia cho đây là một trong những nội dung cơ bản của quản lí môi trường.
Nguyên lí 3R không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết của các nhà quản lí mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về mọi kiến thức liên quan đến môi trường của các nhà kĩ thuật.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)