|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài nguyên biển (Marine resources) là gì?

09:40 | 22/09/2019
Chia sẻ
Tài nguyên biển (tiếng Anh: Marine resources) là một loại tài nguyên thiên nhiên mà con người có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế biến thành sản phẩm vật chất để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống.
tài nguyên biển

Hình minh họa (Nguồn: Unacademy Studios)

Tài nguyên biển

Khái niệm

Tài nguyên biển trong tiếng Anh được gọi là: Marine resources.

Biển là lớp nước mặn bao phủ phần lớn bề mặt trái đất, hoặc một vùng nước mặn rộng lớn, nhỏ hơn đại dương, một phần hoặc hoàn toàn bao quanh bởi đất liền. (Tài liệu tham khảo: Cambridge dictionary)

Biển và đại dương luôn luôn được coi là một tài nguyên vô tận mà trời phú cho con người. Các nguồn lợi hải sản quan trọng phải kể đến là cá, tôm, cua, rong biển… Tuy nhiên, do có các phương pháp khai thác hiện đại, nên nguồn lợi hải sản đang bị giảm sút đáng kể. 

Nhiều loại hải sản quan trọng có sản lượng khai thác giảm. Việc đánh bắt quá mức, và sử dụng các công cụ hủy diệt đã làm cho một số loài có nguy cơ diệt chủng.

Hệ sinh thái nước này là nguồn cung cấp vô vàn các sản phẩm và dịch vụ có giá trị đối với con người và sức khỏe sinh thái toàn cầu. Những sản phẩm và dịch vụ chính gồm: (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Tài nguyên, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

+ Đánh bắt cá thương mại

+ Đánh bắt, câu cá giải trí hoặc thể thao (kể cả cá nuôi trong bể)

+ Các dịch vụ vận tải

+ Các hoạt động giải trí ven biển và ngoài khơi

+ Điều hòa khí quyển và khí hậu

+ Nguồn cung cấp các khoáng chất dinh dưỡng

Vai trò của tài nguyên biển trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội

- Tài nguyên biển là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế

- Tài nguyên biển là yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển

- Tài nguyên biển là yếu tố quan trọng cho tích lũy để phát triển.

Các vấn đề tồn tại trong đánh bắt hải sản

Các vấn đề chính đang tồn tại trong đánh bắt hải sản hiện nay gồm có: (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Tài nguyên, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

+ Đánh bắt quá nhiều, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng trữ lượng của một số loài cá

+ Đầu tư quá nhiều cho trang thiết bị, phương tiện đánh bắt ở nhiều quốc giá và dẫn đến đầu tư kém hiệu quả

+ Ô nhiễm nguồn nước làm đe dọa môi trường sống ở các khu vực đẻ trứng, gây ảnh hưởng lớn tới sự sinh tồn của nhiều loài sinh vật biển

+ Xung đột về các điều khoản luật pháp trong đánh bắt giữa các nước với nhau (ví dụ như giữa Hoa Kỳ và Canada) và cả giữa nội bộ trong một nước (ví dụ như điều khoản về quyền đánh bắt của người Mỹ gốc trong nội bộ Hoa Kỳ hay nội bộ Canada).

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)

Tuyết Nhi