Chất thải (Waste) là gì? Phân loại và phương pháp xử lí
Hình minh họa (Nguồn: steemkr)
Chất thải
Khái niệm
Chất thải trong tiếng Anh gọi là: Waste.
Chất thải là toàn bộ các vật chất không sử dụng được nữa được con người thải ra môi trường. Chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất, trong các hoạt động sống của con người.
Phân loại
Chất thải có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:
– Theo nguồn chất thải: gồm có chất thải nông nghiệp, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt.
– Theo loại chất thải: gồm có chất thải có khả năng phân hủy sinh học, chất thải độc hại, chất thải xây dựng, bùn thải…
Trong lĩnh vực chính sách môi trường, vấn đề quản lí chất thải được quan tâm hàng đầu.
Quản lí chất thải không những đã trở thành vấn đề bức xúc của nền kinh tế, của cộng đồng xã hội mà còn là đối tượng thường xuyên được quan tâm của từng đơn vị kinh tế, của từng kế hoạch phát triển, của từng luật lệ và qui chế đã và đang được ban hành.
Quản lí chất thải, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đã có truyền thống hàng trăm năm. Năm 1560, ở Hamburg (Đức) đã ra đời qui chế đầu tiên về việc giải quyết các vật phế thải.
Qui chế qui định tất cả mọi người dân trong thành phố có trách nhiệm phải thu dọn rác, xác chết súc vật trong khu đất và đường sá vùng lân cận nơi mình ở ít nhất 4 lần trong 1 năm.
Năm 1893 Hamburg đã có lò đốt rác đầu tiên và năm 1897 New York đã đưa trang thiết bị xử lí chất thải vào hoạt động.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, khối lượng vật phế thải đã tăng lên gấp nhiều lần. Những núi rác cứ liên tiếp mọc lên và trở thành gánh nặng cho nhiều vùng dân cư. Để giải quyết hậu quả đó, nhà nước phải tiêu tốn tới hàng tỉ đồng.
Nhiệm vụ chủ yếu của ngành kinh tế chất thải là thống kê và phân tích chất thải. Trên cơ sở đó xây dựng phương án nhằm tránh và thay đổi bản chất của chất thải thông qua việc loại bỏ nguyên liệu gây ô nhiễm hoặc thay bằng các loại nguyên liệu khác hay thay đổi công nghệ sản xuất.
Việc tận dụng lại nguyên liệu, hay chuyển hóa sẽ được thực hiện theo danh mục có thứ tự ưu tiên. Theo đó, việc tận dụng về nguyên liệu được đặt lên trên việc tận dụng về năng lượng.
Phương pháp xử lí chất thải
- Sử dụng lại về nguyên liệu
Trong việc sử dụng lại nguyên liệu một cách chính thống thì chất thải đó được chuyển hóa và xử lí để tạo lại được nguyên liệu có tính chất gần đúng với nguyên bản. Qua đó có thể đưa nó vào chu trình sản xuất và chu trình tiêu dùng. Nó có thể đạt lại chức năng ban đầu của sản phẩm.
Ví dụ như: thủy tinh, kim loại, giấy đã sử dụng qua quá trình xử lí có thể sử dụng lại.
- Sử dụng lại về năng lượng
Hình thái sử dụng lại về năng lượng một cách trực tiếp là việc đốt cháy và tận dụng nhiệt để sưởi ấm hay để sản xuất điện. Về cơ bản thì đây là việc sử dụng chất thải để đốt trong các trang thiết bị đốt rác.
Hình thức sử dụng lại về mặt năng lượng một cách gián tiếp là khả năng khí hoá phế thải lên men. Song, điều này lại cần đến điều kiện tiên quyết là phải có chất thải sinh vật và phải có loại vi khuẩn để tạo nên quá trình phân hủy.
Đốt chất thải để tận dụng nhiệt năng được tạo ra là một biện pháp hoàn toàn đáp ứng yêu cầu giảm thể tích của khối lượng phế thải và thông qua quá trình đốt cháy để chuyển hóa các phế thải độc hại. Phần còn lại của chất thải (tro, xỉ) được mang đi chôn lấp.
Nhưng cần phải xử lí sơ bộ chất thải này trước khi chôn lấp tại bãi rác theo hướng dẫn kĩ thuật quản lí chất thải đô thị.
- Chôn lấp tại bãi rác
Chôn lấp chất thải tại bãi rác cho đến nay vẫn là cách xử lí phổ biến nhất. Bên cạnh việc chôn lấp chất thải nổi trên mặt đất, còn có thể chôn lấp chất thải trong các mỏ đã kết thúc khai thác.
Việc chôn lấp chất thải được thực hiện sao cho vấn đề giải quyết chất thải ngày nay không phải là gánh nặng cho các thế hệ mai sau. Trong tương lai thì chỉ có những chất thải không còn hoạt tính mới được đưa đi chôn lấp ở các bãi chất thải.
Như vậy, bãi chôn lấp chất thải sẽ là địa chỉ cuối cùng của phương án giải quyết chất thải. Có một số hướng để giải quyết vấn đề chất thải như sau:
+ Mở rộng việc phân loại chất thải
+ Trách nhiệm nhận lại chất thải của nhà sản xuất và kinh doanh để tận dụng lại nguyên liệu hoặc năng lượng
+ Tăng cường tận dụng chất thải về mặt năng lượng
+ Tăng cường ủ phân vi sinh từ chất thải sinh vật
+ Xử lí chất thải bằng phương pháp sinh học thay cho phương pháp cơ học.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)