|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sức bật cho xuất khẩu

17:16 | 25/01/2018
Chia sẻ
Từ 1/1/2018, 10 nghị định mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
suc bat cho xuat khau Xuất khẩu da giày: Muốn bứt phá phải gỡ 'nút thắt'
suc bat cho xuat khau Khó khăn xuất khẩu cá tra ở các thị trường truyền thống
suc bat cho xuat khau
Sức bật cho xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Từ 1/1/2018, 10 nghị định mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với một số quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới chính thức có hiệu lực. Điều này được kỳ vọng sẽ là giai đoạn mở ra nhiều cơ hội nhất từ trước tới nay, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để tiếp cận với thị trường quốc tế.

Cụ thể như, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn từ 2018-2022; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile giai đoạn 2018 - 2022; Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2023;

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 - 2022; Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Australia - Newzealand giai đoạn 2018 - 2022; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018 - 2022; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2023; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2022, cùng với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, với việc cắt giảm thuế nhập khẩu hay nói cách khác là áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì một số ngành và lĩnh vực có thế mạnh như xuất khẩu da giày; xuất khẩu gỗ hay thủy sản... sẽ có sức bật tốt trong năm 2018 trở đi. Sẽ có những chuyển biến tích cực như số lượng đơn hàng chắc chắn sẽ tăng mạnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu theo đó cũng sôi động...

Không chỉ có thế, việc áp dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt còn giúp các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào tốt hơn, giá rẻ hơn; giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) khẳng định.

Từ thực tế của ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho biết, ngành da giày sẽ có nhiều triển vọng trong năm 2018 bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể như, sản phẩm giày dép Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5% - 4,2% so với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu.

Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào giữa năm 2018. Khi có hiệu lực thi hành, thuế suất sẽ giảm về 0%. Mặt hàng giày thể thao, vốn là sản phẩm chủ lực, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào Liên minh châu Âu sẽ được giảm thuế suất ngay, chứ không phải chịu mức bảo hộ 7 năm như sản phẩm giày da. Mặt hàng túi xách cũng tương tự, do không bị bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%.

Đây là những lợi thế mà hơn lúc nào, các doanh nghiệp da giày xuất khẩu cần phải nắm bắt cơ hội và tận dụng sao cho hiệu quả. Đặc biệt là khi nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ rẻ hơn nhiều do được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Chắc chắn tới đây, dòng đơn hàng sẽ dịch chuyển về Việt Nam rất nhiều. Vấn đề chỉ còn là các doanh nghiệp da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội từ hiệp định này ra sao?, bà Xuân nhấn mạnh.

Ngành xuất khẩu gỗ cũng được đánh giá có triển vọng lạc quan trong năm 2018 nhờ chiều hướng tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng không ngừng được cải thiện.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, do tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5/2017 sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu. Nhất là khi, tới đây, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế suất 0% khi EVFTA có hiệu lực.

Đây chính là lợi thế vì trước đây, mức thuế này là 3% áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến, là 5,6% với đồ nội thất bằng tre hoặc mây; 4% với ván ép gỗ và 3% với đồ trang trí bằng gỗ...

suc bat cho xuat khau
Ngành dệt may tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018. Ảnh: TTXVN.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, sau 10 năm tham gia Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 31 tỷ USD cùng với đó là việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do nên không chỉ Vinatex nói riêng mà toàn ngành dệt may nói chung đã có sự tham gia rất sâu vào tiến trình hội nhập quốc tế; đồng thời, đã chinh phục được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Bày tỏ kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong năm 2018 và giai đoạn tới đây, ông Trường cho biết, ngành dệt may mong muốn Chính phủ dành sự quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cùng với đó, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn về môi trường kinh doanh, về cơ hội gia nhập thị trường; cũng như các chính sách ưu đãi về tín dụng, về thuế xuất nhập khẩu....

Với những yếu tố thuận lợi đó và sự nỗ lực tự thân; cam kết tự nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, chắc chắn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới, không chỉ riêng doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trường khẳng định.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng được lợi thế từ việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ nhờ chính sách áp dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; cùng với việc được xóa bỏ thuế nhập khẩu của những quốc gia thành viên theo cam kết đã ký với Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chủ động và sẵn sàng những phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.

Cùng đó, doanh nghiệp dành sự đầu tư để tăng cường năng lực quản trị, đổi mới hệ thống công nghệ và trang thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và gia tăng gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu bằng các chiến lược cạnh tranh về giá cả, về thương hiệu, về chất lượng sản phẩm... để làm sao đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài, hoặc ít nhất là trong giai đoạn 2018-2023 cho tới khi có những diễn biến mới./.

Thạch Huê