Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,02%
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: GDP năm 2018 có thể đạt 6,8% | |
3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 |
Nhiều động lực cho tăng trưởng
Về động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018, NCIF cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi đối với hoạt động kinh tế trong nước, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018.
Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và thực hiện được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đây sẽ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên 7,02% (Ảnh minh họa: KT) |
Về xu hướng của một số lĩnh vực cụ thể, báo cáo của NCIF cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nhiều khả năng sẽ được cải thiện. Mặc dù còn gặp phải nhiều khó khăn trong năm 2017, các DN tại Việt Nam có cơ hội để phát triển hơn trong năm 2018, với xu hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để thích ứng với mức độ cạnh tranh ngày càng tăng lên.
“Năm 2018 sẽ là năm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng mở rộng thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Cổ phần hóa doanh nghiệp được đẩy mạnh trong năm 2018 và phát triển khu vực tư nhân sẽ là các động lực giúp tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới”, NCIF nhận định.
Ngoài ra, các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn từ ngày 1/1/2018, tiến trình minh bạch hóa thông tin đang dần trở nên rõ nét và các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển các chiến lược quản trị tiên tiến phù hợp với bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Formosa... được dự báo có tăng trưởng cao trong năm 2018, đây sẽ là động lực cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tạo lực đẩy cho tăng trưởng khu vực công nghiệp và toàn nền kinh tế nói chung.
Theo NCIF, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có triển vọng khả quan khi được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ hơn trong năm 2018 về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
“Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có”, NCIF dự báo.
Về xuất nhập khẩu cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực do những cải thiện trong quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Cùng với đó, tăng trưởng tốt hơn của các đối tác chính của Việt Nam trong năm 2018, kéo theo những tác động tích cực cho nhu cầu về hàng hoá Việt Nam. Giá cả các mặt hàng chính cũng được dự báo trong xu thế tăng sẽ giúp nâng cao kim ngạch thương mại cho Việt Nam.
Ngoài ra, sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước cũng góp phần thúc đẩy xuất – nhập khẩu.
Cũng theo NCIF, xu hướng tăng tiêu dùng dân cư có khả năng sẽ tiếp tục duy trì khi năm 2018 được dự báo vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng khá của năm 2017. Về yếu tố lạm phát, báo cáo của NCIF cho rằng, lạm phát nhiều khả năng được kiểm soát.
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 7,02%
Bên cạnh những động lực cho tăng trưởng kinh tế, NCIF cũng cho rằng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn đang là thách thức lớn, như: trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.
“Thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. Đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, những ngành có nhiều lao động thủ công hoặc gắn với quá trình tự động hóa”, NCIF chỉ rõ.
NCIF dự báo kinh tế Việt Nam 2018 có thể diễn ra theo 2 kịch bản là: kịch bản trung bình (kịch bản cơ sở) và kịch bản cao.
NCIF đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2018 (Nguồn: Tổng cục Thống kê và dự báo của NCIF) |
Theo đó, kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra hơn. Trong đó giả thiết, đầu tư khu vực nhà nước giữ tốc độ tăng trưởng ổn định đóng vai trò điều tiết nền kinh tế. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và xuất khẩu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,83%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 4,5%.
Kịch bản cao có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế (như chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính); qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Theo kịch bản này, trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,02%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.