|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự chuẩn bị của nước Anh trước 'cơn bão' COVID-19

08:28 | 20/03/2020
Chia sẻ
Tờ Guardian (Anh) tối ngày 15/3 dẫn tài liệu của cơ quan y tế nước này dự báo 4/5 người dân Anh “được cho là khả năng cao” bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Sự chuẩn bị của nước Anh trước 'cơn bão' COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo này, tại một cuộc họp kín của Cơ quan Y tế vùng England (PHE), những người đứng đầu trong các cơ quan bệnh viện đưa ra dự báo dịch COVID-19 tại Anh có thể sẽ kéo dài thêm 12 tháng nữa đến mùa Xuân năm 2021 và số người phải nhập viện có thể lên tới 7,9 triệu người.

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang phải đối mặt với các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Vương quốc Anh đã có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trị giá 30 tỷ bảng Anh (khoảng 39 tỷ USD).

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo việc tăng cường chi tiêu này là một phần của kế hoạch đầu tư lớn hơn trong 5 năm dựa trên nguồn vốn vay. Các chuyên gia đánh giá đây là kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn nhất của Anh kể từ năm 1992.

Trong bài phát biểu về ngân sách thường niên trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Sunak cho hay Anh đang phải đối mặt với một tác động tạm thời song rất lớn của dịch COVID-19, vốn đã dấy lên những quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

Theo ông Sunak, khoảng 20% dân số trong độ tuổi lao động ở Anh có thể thất nghiệp bất kỳ lúc nào và các chuỗi cung ứng kinh doanh đã đình trệ trên phạm vi toàn cầu. Để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, Chính phủ Anh sẽ hoãn thu thuế đối với các công ty nhỏ và hỗ trợ chi trả chi phí y tế cho người lao động.

Chi phí hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp và cá nhân dự kiến sẽ vào khoảng 7 tỷ bảng, trong khi 5 tỷ bảng được dành cho các dịch vụ y tế và những hoạt động khác nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19. Ngoài ra, Anh sẽ dành 18 tỷ bảng cho các biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung.

Trong báo cáo cuộc họp mới nhất, những người đứng đầu các bệnh viện ở Anh dự trù khả năng có đến 80% người Anh bị nhiễm COVID-19 trong thời gian 12 tháng tới.

Điều này dẫn đến tình trạng đặc biệt căng thẳng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) vốn đang ở trong tình trạng dàn trải và quá tải. Theo Giáo sư Chris Whitty, cố vấn y tế trưởng của Chính phủ, những con số trên là kịch bản tồi tệ nhất đối với nước Anh và ông cho rằng con số thực tế sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên, cuộc họp đã đưa ra nhận định rằng 4/5 dân số Anh "khả năng cao sẽ nhiễm virus". Tài liệu cũng đề cập đến khoảng 15% (7,9 triệu người) có thể nhập viện.

Những dự báo trên đưa ra nhận định chính thức mới nhất về mức độ nghiêm trọng mà dịch bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và việc thiếu nhân lực trầm trọng trong các ngành nghề liên quan đến xử lý dịch bệnh gồm hệ thống y tế công NHS, cảnh sát, lính cứu hỏa và giao thông vận tải.

Những so sánh với các nước khác trước khi cuộc khủng hoảng hiện tại xảy ra cho thấy Anh nằm trong số các quốc gia được chuẩn bị tốt nhất trong tình huống xảy ra đại dịch nhờ vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị xét nghiệm cũng như công tác dự phòng.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến coi hệ thống y tế của Anh như một mắt xích tương đối yếu. NHS hoàn toàn không phải là một cơ quan thống nhất mà trong thực tế, đây là một mạng lưới gồm nhiều cơ quan chồng chéo, thậm chí có lúc cạnh tranh lẫn nhau.

Mặc dù vậy, trong những thời điểm khủng hoảng, vẫn có những định hướng hoạt động rõ ràng, và các bệnh viện đã quen với việc phối hợp cùng nhau.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Anh, có rất nhiều bất lợi trong việc cố tổ chức tập trung một hệ thống chăm sóc y tế cho trên 60 triệu người. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là cách bố trí lỏng lẻo như hiện nay cho phép Anh nhanh chóng thực hiện được quy trình “chỉ huy và kiểm soát” khi cần thiết.

Trong khi đó, một báo cáo công bố cuối năm 2019 cho thấy lĩnh vực y tế của Anh đang thiếu hụt khoảng 100.000 vị trí. Tình trạng thiếu hụt nhân lực sẽ càng trở nên trầm trọng hơn vì COVID-19. Trong trường hợp trường học bị đóng cửa, rất nhiều nhân viên sẽ phải ở nhà trông con.

Chính phủ đang chuẩn bị thông qua luật khẩn cấp để bảo vệ công ăn việc làm của những người tình nguyện tham gia chống dịch. Những nhân viên y tế nghỉ hưu có thể sẽ được mời trở lại làm việc và các nhân viên tập sự cũng sẽ được huy động. Đại đa số các ca bệnh COVID-19 sẽ được yêu cầu tự cách ly và điều trị tại nhà.

Các chuyên gia y tế Anh lưu ý hai vấn đề cần đặc biệt. Thứ nhất, từ trước đến nay, Anh vẫn chi tương đối ít tiền cho khâu chăm sóc tích cực. Nước này có ít giường chăm sóc tích cực nhất châu Âu, trong đó, riêng xứ Anh chỉ có 4.048 giường và 3/4 đã được sử dụng.

Sự chuẩn bị của nước Anh trước 'cơn bão' COVID-19 - Ảnh 2.

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Ảnh: Reuters

NHS đang rất hy vọng sẽ bổ sung được nguồn lực, nhưng muốn làm như vậy thì lại phải nới lỏng các quy định về số biên chế cùng với rất nhiều trang thiết bị khác mà dù có tiền cũng không đủ thời gian để mua.

Vấn đề thứ hai là ngân sách cho công tác chăm sóc xã hội hiện đã cạn. Nếu số đông nhân viên chăm sóc xã hội không thể đi làm, mọi người sẽ đổ dồn thêm vào các bệnh viện. Trong trường hợp tình hình tại các trung tâm xã hội trở nên tồi tệ hơn, thì số ca nhập viện sẽ tăng vọt.

Tài liệu dự báo về dịch COVID-19 đã được bộ phận ứng phó khẩn cấp của PHE soạn thảo và được phê chuẩn bởi giáo sư Susan Hopkins, người đứng đầu của PHE chịu trách nhiệm xử lý vấn đề bùng phát dịch bệnh. Tài liệu được gửi đến giám đốc các bệnh viện và các bác sĩ cấp cao thuộc hệ thống NHS trên toàn vùng England.

Giáo sư chuyên về dịch tễ học Paul Hunter của trường Đại học East Anglia cho rằng thời gian 1 năm là hoàn toàn có lý và giải thích thêm, dịch bệnh sẽ phát triển và hạ nhiệt vào cuối tháng 6/2020 và quay trở lại vào tháng 11/2020, đó là mùa bệnh cúm thường bắt đầu ở Anh. Ông cho rằng COVID-19 sẽ vẫn còn đó, nhưng không có tác động nặng nề nữa theo thời gian, khi miễn dịch được hình thành.

Việc thừa nhận virus sẽ tiếp tục hoành hoành trong 1 năm tới làm tiêu tan hy vọng dịch bệnh này sẽ hết khi mùa Hè đến.

Báo cáo này cũng tiết lộ khoảng 500.000 người trong tổng số 5 triệu người làm việc trong những ngành nghề dịch vụ thiết yếu và cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ bị ốm trong khoảng thời gian 1 tháng đỉnh điểm của dịch bệnh. 

Trong số 5 triệu người này có 1 triệu nhân viên y tế của NHS và 1,5 triệu người làm trong lĩnh vực chăm sóc xã hội.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nước Anh có thể tiếp tục duy trì hoạt động bình thường, với cảnh báo rằng  ước tính ít nhất khoảng 10% người làm việc tại Anh sẽ bị ho trong các tháng đỉnh điểm của dịch COVID-19. Tư vấn y tế mà Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra ngày 12/3 là bất cứ ai bị ho thì nên tự cách ly ở nhà ít nhất 7 ngày.

Cũng theo báo cáo này, hệ thống dịch vụ y tế không thể đương đầu với hàng loạt trường hợp với những triệu chứng được cho là cần được xét nghiệm bởi các phòng xét nghiệm hiện đang chịu một sức ép rất nặng nề.

Do vậy chỉ có những trường hợp ốm rất nặng, bao gồm những người đã nằm trong bệnh viện và những người trong các trại dưỡng lão và nhà tù nơi đã phát hiện ca nhiễm COVID-19, sẽ được đưa đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Các dịch vụ xét nghiệm đang trong tình trạng căng thẳng đến mức thậm chí các nhân viên y tế của NHS cũng không được kiểm tra.

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho các chính phủ trên thế giới về cách thức dịch bệnh này tiến triển. Giáo sư Whitty nhận định số ca nhiễm sẽ tăng nhanh trong vòng từ 10-14 tuần tới. Điều này có nghĩa là dịch bệnh có thể lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng Năm và trung tuần tháng Sáu, khi đó hệ thống y tế NHS của Anh chịu sức ép lớn nhất.

Chiến lược mà các nước làm là trì hoãn thời kỳ đỉnh điểm và kéo dài thời gian hơn để dịch vụ y tế có thể đối phó tốt hơn. Có những kỳ vọng rằng lúc đó có thể sẽ có các cách điều trị mới được đưa ra.

Sau thời kỳ đỉnh điểm, số lượng người nhiễm và tử vong sẽ giảm trong 10 tuần hoặc sau đó cho đến khi đạt đến mức khá thấp nhưng không thể chấm dứt hoàn toàn. Hiện có những lo ngại rằng virus có thể trỗi dậy vào những tháng mùa Thu và Đông, do vậy, các kế hoạch chuẩn bị dài hơi là điều cần thiết.

Diễm Quỳnh

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…