Ứng phó FDI sụt giảm vì thuế quan của Mỹ: Cần nới các quy định, thêm ưu đãi để hút FDI chất lượng cao

Lễ công bố Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam 2024. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Sáng ngày 16/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã công bố Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam 2024.
Tại báo cáo này, VAFIE dự báo trong năm 2025, thu hút FDI của Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực với lợi thế về kinh tế, thương mại và đầu tư. Vị thế của Việt Nam trong ASEAN, châu Á và thế giới nâng lên rõ rệt, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước đã nâng quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, trong quý I/2025, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư FDI cũng giải ngân được khoảng 4,96 tỷ USD trong quý I/2025, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Kết quả của Khảo sát năm 2024 của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), làn song dịch chuyển của các doanh nghiệp Nhật Bản từ trong nước và từ Trung Quốc sang các nước ASEAN gia tăng rõ rệt, trong đó số lượng lớn sang Việt Nam. Trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN có 90 trường hợp dịch chuyển sang Việt Nam.
Theo đánh giá của Eurocham, tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã đẩy Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (Business Confidence Index) hết quý 4 năm 2024 lên mức 61,8, bất chấp những thách thức từ bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Với những kết quả này, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.
Dẫn báo cáo của của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC, ông Mại cho biết Việt Nam cùng với Singapore và Malaysia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.
Hay, những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Mỹ sang các đối tác thân thiện) đã nhìn nhận Việt Nam đóng vai trò quan trong trong chính sách này của họ.
Cần có những chuyển biến đột phá
Theo ông Mại, để tiếp tục thu hút FDI trong giai đoạn mới với sự dẫn dắt của xu thế xanh, công nghệ và số hóa, trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các luật đã có, kịp thời ban hành một số luật mới để thích ứng với linh tế số, kinh tế tuần hoàn, Nghị định về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Tuy vậy, tình trạng phổ biến là thời gian soạn thảo luật, Nghị định khá dài, khi Quốc hội tông qua luật thì phải chờ Nghị định, Thông tư; do đó kiến nghị đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng thực hiện chức năng của Quốc hội là cơ quan lập pháp, soạn thảo và ban hành luật pháp với nội dung hoàn chỉnh đủ điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội.
Cuộc cải cách nền hành chính quốc gia đang được Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực thi nhanh chóng, có hiệu quả, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, việc ổn định bộ máy, cán bộ, công chức sau khi sắp sếp lại có thế tác động tiêu cực đối với việc thực thi luật pháp, chính sách, nhất là thủ tục hành chính; nếu kéo dài càng lâu thì hậu quả càng lớn.
Trong bối cảnh đó, tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới biến động khó lường tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế đất nước, cũng như hoạt động thu hút FDI nói riêng.
Điển hình, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là điện tử, chất bán dẫn, phụ tùng ô tô, kinh tế số và công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển. Các công ty Hàn Quốc sẽ có xu hướng mở rộng đầu tư vào công nghệ thông tin, phát triển phần mềm và AI.
"Để Việt Nam thu hút FDI từ Hàn Quốc ở những lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, Big Data, năng lượng sạch, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, nới lỏng các quy định, tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư", ông Mại gợi ý.
Vì vậy, ông Mại cho rằng, việc hoàn thiện thể chế đòi hỏi những chuyển biến đột phá trong tư duy và hành động để phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút FDI, nhất là của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
"Cần phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển", ông Mại nhấn mạnh.