|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành sau sáp nhập hoạt động trước ngày 15/9

14:53 | 16/04/2025
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8, cấp tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/9.

Sáng ngày 16/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày Chuyên đề "Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031"

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội cho hay phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm nội dung, gồm: các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Ông cũng nêu rõ do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội. Dự kiến, việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra từ ngày 6/5 - 5/6.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Chủ tịch Quốc hội cho biết theo Báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương.

Tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật; chưa kể các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ được xem xét quyết định trong thời gian diễn ra kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là khối lượng công việc "lớn nhất từ trước đến nay".

Bên cạnh đó, ngoài các nội dung theo chương trình, tại kỳ họp thứ 9, dự kiến có khoảng 20 dự án luật cần được bổ sung vào chương trình để sửa đổi các quy định liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, Nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Đặc biệt, trong đó quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/9. 

Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp vừa được phê duyệt tại Quyết định số 759 ngày 14/4, sau khi sáp nhập, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời chuyển mô hình chính quyền địa phương thành hai cấp.

Cụ thể, phương án tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ gồm: cấp tỉnh gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã gồm xã, phường và đặc khu.

Trong đó, các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay sẽ chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, có 11 đặc khu thuộc tỉnh hình thành từ 11 huyện đảo, bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo.

Riêng đối với TP Phú Quốc (Kiên Giang), cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc TP Phú Quốc để thành lập một huyện riêng. Do đó, đề án xác định sẽ nghiên cứu thành lập hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu từ TP Phú Quốc hiện tại.

Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. (Nguồn: Quyết định số 759 ngày 14/4).

Về cơ cấu tổ chức, chính quyền địa phương cấp tỉnh sẽ gồm HĐND và UBND. HĐND tỉnh thành lập ba ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm ban Dân tộc).

HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 4 ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị theo quy định của luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập hai ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Đề án nêu rõ sẽ bỏ toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn hơn hiện nay, đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Do đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).

Đối với các đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp lại thì có thể không tổ chức phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Anh My

Nhà Trắng: Trung Quốc hiện đối mặt với mức thuế quan lên đến 245%
Theo một tuyên bố mà Nhà Trắng công bố vào cuối ngày 15/4, phía Mỹ cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245% do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.