|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup tỏi đen quyết không thỏa hiệp với ‘cá mập’ trong Shark Tank Việt Nam

14:11 | 26/02/2018
Chia sẻ
Mặc dù các nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam muốn rót vốn, ba người sáng lập tỏi đen từ chối vì cho rằng tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư đưa ra quá cao.

Tham gia tập 16 của chương trình Shark Tank Việt Nam ngày 24/2, Lê Minh Hồng Phúc cùng bạn đồng hành là Trần Minh Quang, Phúc Vũ kêu gọi số tiền 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần Công ty TNHH Sản xuất Thương mại I AM V.

startup toi den quyet khong thoa hiep voi ca map trong shark tank viet nam
Ba người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại I AM V kêu gọi số tiền 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

I AM V kinh doanh sản phẩm tỏi đen từ năm 2016. Đến nay, công ty có 5 dòng sản phẩm, bao gồm tỏi cô đơn tỏi nhiều nhánh, bánh tỏi đen, nước lên men tỏi đen, nước cốt tỏi đen và cao tỏi đen.

Sản phẩm của công ty đã có mặt tại hai hệ thống siêu thị cùng hơn 100 điểm bán lẻ là nhà thuốc, cửa hàng đặc sản, đại lý rau củ quả sạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh khác.

“Chúng tôi có quy trình sáng chế riêng, khả năng tự tạo ra máy móc, thiết bị, sản phẩm. I AM V muốn gọi vốn để đầu tư một số điểm bán nằm ở vị trí đẹp, các trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội”, Hồng Phúc nhấn mạnh.

Hiện nay, sản phẩm tỏi đen I AM V được sản xuất tại nhà xưởng có diện tích trên 1.000 mét vuông ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Do công ty chủ yếu tự động hóa sản xuất nên chỉ có 3 công nhân làm việc trong xưởng.

Hai năm qua, I AM V đã đưa 50.000 sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tỏi cô đơn Lý Sơn (giá bán 120.000 đồng một lọ) là sản phẩm đạt doanh thu cao nhất. Tháng vừa qua, công ty bán 300 kg tỏi cô đơn Lý Sơn tương đương 550 triệu đồng.

Ba người sáng lập I AM V đã đầu tư 15 tỷ đồng vào công ty, chủ yếu là vốn tự có và hỗ trợ từ gia đình của ba thành viên. Về tỷ lệ cổ phần I AM V: Minh Quang – Giám đốc điều hành công ty nắm giữ 51% cổ phần, Hồng Phúc sở hữu 24% cổ phần và Phúc Vũ có 25% cổ phần.

Ông Nguyễn Xuân Phú thắc mắc các khoản đầu tư cụ thể từ tổng số vốn 15 tỷ đồng.

Minh Quang cho biết, I AM V đầu tư 5,5 tỷ đồng cho máy móc, nhà xưởng, 300 - 400 triệu đồng cho nhiên liệu, 1,5 tỷ đồng để nghiên cứu sản phẩm mới như bánh tỏi đen, rượu tỏi đen, số vốn còn lại đầu tư cho văn phòng làm việc, hoạt động tiếp thị.

startup toi den quyet khong thoa hiep voi ca map trong shark tank viet nam
Một số sản phẩm tỏi đen của công ty I AM V được trưng bày tại chương trình Shark Tank. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Trước câu trả lời của Minh Quang, ông Phú nhận định khoản đầu tư văn phòng, marketing là chi phí vận hành hàng tháng, không phải vốn. Ông cho rằng I AM V chưa có hệ thống kế toán, không phân biệt được chi phí sản phẩm với vốn đầu nên quyết định không đầu tư.

“Đó là quá khứ, tôi chỉ quan tâm đến câu chuyện tương lai. Nhà máy I AM V sản xuất bao nhiêu tấn một năm?”, ông Phạm Thanh Hưng hỏi.

Theo người đại diện I AM V, nhà xưởng có hai thiết bị hoạt động song song cả ngày. Mỗi tháng, hai máy sản xuất khoảng 2 tấn sản phẩm.

I AM V có chi nhánh phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại Singapore, hợp đồng với Úc và Nhật Bản. Công ty được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cấp giấy phép về an toàn thực phẩm, giấy phép để xuất khẩu nước ngoài. Đặc biệt, hàm lượng chất chống ung thư, trẻ hóa da trong sản phẩm tỏi đen I AM V cao hơn gấp 2 lần tỏi đen nước Nhật Bản, gấp 5 lần sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đánh giá cao giá trị sản phẩm tỏi cô đơn Lý Sơn, ông Trần Anh Vương đề nghị rót vốn 1,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Ông đề xuất 1,5 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu, không mở rộng điểm bán như định hướng lúc trước của I AM V.

Với năng lực của mình, bà Thái Văn Linh khẳng định sẽ giúp I AM V xuất khẩu, chiếm thị trường nước ngoài. Bà Linh bắt tay hợp tác cùng ông Lê Đăng Khoa đưa ra con số 1,5 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần.

Doanh nhân Khoa tiếp tục “tung chiêu” thu hút ba người sáng lập I AM V bằng cách nêu ra 13 năm kinh nghiệm trong nông nghiệp, khả năng xây dựng thương hiệu nông sản.

Trước lời trình bày những ưu thế của ông Khoa, ông Vương lập tức đưa ra con số giá trị xuất khẩu 1.000 tỷ đồng một năm mà công ty ông đạt được và cho rằng ông Khoa phải bận rộn cùng đội bóng rổ, bà Linh sống ở Mỹ nên không am hiểu văn hóa tỏi đen. “Cái tên I AM V rất phù hợp với tôi: I am Vương”, ông Vương nói dí dỏm.

Ông Hưng quyết định không tham gia đầu tư, nhường sân chơi cho các nhà đầu tư còn lại.

Hồng Phúc khẳng định 15% cổ phần là tỷ lệ cổ phần tối đa I AM V đưa tới nhà đầu tư. Đồng thời, cô ước tính công ty sẽ đạt 1 triệu USD vào đầu năm 2019.

“Thị trường Việt Nam không lớn, I AM V phải tiến ra thị trường nước ngoài. Các bạn đang có cơ hội kết nối với hai nhà đầu tư (ông Khoa, bà Linh). Chúng tôi sẽ giúp các bạn tăng quy mô chuyển thành công ty toàn cầu", bà Linh nhấn mạnh.

Thương vụ không thành công khi ba người sáng lập kiên quyết chỉ chia sẻ cổ phần công ty không quá 15%, còn các nhà đầu tư không muốn giảm tỷ lệ sở hữu công ty.

Bùi Mến