|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

SSI Research: Dệt may phục hồi nhờ sự tăng trưởng của thị trường Mỹ, đơn hàng đến hết quý III

19:54 | 19/05/2021
Chia sẻ
Tại thị trường Mỹ, dệt may Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo vừa công bố của CTCP chứng khoán SSI (SSI Research) kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 9,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ do sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam. 

Tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 4,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 49% giá trị hàng xuất khẩu may mặc của Việt Nam. 

Trong khi đó, các thị trường còn lại lần lượt là Nhật Bản đạt 1,06 tỷ USD, tỷ trọng 11%; EU đạt 1,08 tỷ USD, tỷ trọng 11%; Hàn Quốc đạt 924 triệu USD, tỷ trọng 10%; CPTPP đạt 485 triệu USD, tỷ trọng 5% và Trung Quốc đạt 378 triệu USD, tỷ trọng 4%.

"Ngành may mặc Việt Nam phục hồi 19,1% so với cùng kỳ và tận dụng lợi thế của khối thị trường CPTPP mới (có hiệu lực từ tháng 1/2019), tăng 21,2% so với cùng kỳ. 

Những con số đáng khích lệ phản ánh sự cải thiện đáng kể trong tháng 4/2021, khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt 84% so với cùng kỳ, trong khi EU tăng 52% so với mức thấp vào tháng 4/2020 (sự thiếu hụt nguồn cung vải từ Trung Quốc, khiến các đơn đặt hàng bắt đầu bị hủy)", SSI Research nhận định.

Điểm sáng của ngành dệt may trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, là hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021.

"Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ. 

Nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính", báo cáo của SSI Research nêu.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10.6% so với cùng kỳ.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng nhận định, ngành dệt may trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi.

Nhờ đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4/2021 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,9% và 29,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục tăng 9,5%. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 201 triệu m2, tăng 10,1% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 378,3 triệu m2, tăng 6,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.492,4 triệu cái, tăng 8,9%; Giầy dép da ước đạt 94,1 triệu đôi, tăng 13,3%.

Như vậy hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.

Như Huỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.