|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Dệt may Việt Nam có thể giành thêm thị phần của Trung Quốc tại Mỹ

09:58 | 14/04/2021
Chia sẻ
Theo số liệu của VDSC, Trung Quốc tiếp tục mất thị phần, từ 33% năm 2019 xuống còn 28% năm 2020 trong khi Việt Nam có mức tăng thị phần mạnh nhất trong số những nhà cung cấp dệt may hàng đầu cho Mỹ, từ 13% lên 15%.

Báo cáo về triển vọng ngành dệt may của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố cho biết đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến môi trường kinh doanh thêm bất ổn đối với các công ty thời trang của Mỹ, dẫn đến những thay đổi trong chiến lược tìm nguồn cung ứng của các nước này. 

Việt Nam có nhiều thế mạnh để thu hút đơn hàng, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng đầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung từ Tân Cương sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam giành thêm nhiều thị phần may mặc từ Trung Quốc.

Theo phân tích của VDSC xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ giảm thấp nhất trong tất cả các nguồn cung cấp trong năm 2020 nhờ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc giảm 39,2%, Ấn Độ giảm 25,6%, Bangladesh giảm 11,7% hay Indonesia giảm hơn 20% nhưng Việt Nam chỉ giảm 7,2%.

Đáng chú ý, trong số những nhà cung cấp dệt may hàng đầu như Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ thì Trung Quốc tiếp tục mất thị phần, từ 33% năm 2019 xuống 28% năm 2020 trong khi Việt Nam có mức tăng thị phần mạnh nhất từ 13% lên 15%.

VDSC: Dệt may Việt Nam có thể giành thêm thị phần của Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh 1.

Thị phần các nước nhập khẩu hàng dệt và may mặc của Mỹ (theo giá trị). Nguồn: OTEXEA, VDSC

VDSC cho biết việc tái phân bổ thị phần đã tăng tốc kể từ năm 2019, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 

Việt Nam nổi lên là lựa chọn hàng đầu của các công ty thời trang Mỹ để thay thế một phần nguồn hàng từ Trung Quốc. Nguyên nhân là Việt Nam có chi phí thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ trong khi có hiệu quả cao hơn Bangladesh.

"Theo đó, các thương hiệu đang giảm phục thuộc vào Trung Quốc nhưng sẽ không từ bỏ nhà cung cấp này, bởi Trung Quốc có những lợi thế riêng mà những nhà cung cấp hàng may mặc lớn khác không thể thay thế trong ngắn hạn", VDSC cho hay.

Cụ thể, quy mô sản xuất lớn cho phép Trung Quốc cung cấp nguyên phụ liệu may mặc với giá rẻ, mẫu mã đa dạng. Các nhãn hàng Mỹ có thể đặt hàng cho nhiều sản phẩm khác nhau với quy mô và số lượng đa dạng. 

Bên cạnh đó, với hàng rào thuế quan cao từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, việc chuyển hướng tìm nguồn cung từ Trung Quốc sang các nước khác đã khiến chi phí của các công ty thời trang Mỹ tăng lên 63% vào năm 2020.

"Trung Quốc là quốc gia duy nhất xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ sợi đến may mặc. Điều này làm giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong các thời kỳ khó khăn như đại dịch COVID-19 hoặc sự kiện tắc nghẽn kênh đào Suez", báo cáo viết. 

Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng, các nhà sản xuất hàng may mặc châu Á khác đã trải qua tình trạng khan hiếm nguyên liệu cho sản xuất may mặc trong quý I/2020 khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn đại dịch.

Trung Quốc cung cấp đến 40-50% nguyên liệu cho các nước sản xuất hàng may mặc khác ở châu Á.

Mặc dù vậy, vẫn có một yếu tố phi kinh tế đã và sẽ ảnh hưởng đáng kể và tiêu cực đến triển vọng là nguồn cung hàng may mặc của Trung Quốc từ năm 2020. 

Theo báo cáo của VDSC, Chính phủ Mỹ đã thực thi một loạt các hành động, bao gồm cả việc Cục Hải quan và Biên phòng  Mỹ ban hành lệnh cấm lưu thông các sản phẩm chứa bông có nguồn gốc từ Tân Cương, nhằm đối phó với vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương (Trung Quốc). 

Do đó, nhập khẩu hàng dệt may từ bông của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm gần 40% trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc của Mỹ giảm 30,7% vào năm 2020.

"Việt Nam chủ yếu nhập khẩu bông để sản xuất sợi từ Mỹ và Brazil, do đó, việc Mỹ cấm bông Tân Cương sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất và xuất sợi bông và vải của Việt Nam", VDSC nhận định.

Như Huỳnh