|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi về ngưỡng trước dịch?

13:48 | 24/03/2021
Chia sẻ
Số lượng đơn hàng xuất khẩu dệt may đang trên đà phục hồi và khả năng cao tăng trưởng hơn năm 2020, đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi về ngưỡng trước dịch? - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 10 ngày đầu tháng 3 ước đạt 830 triệu USD, tăng hơn 230 triệu USD so với tuần trước và tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket tăng khá; ngược lại số lượng các lô hàng đồ chống dịch ngày càng giảm.

Như vậy, tính đến 10/3, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đạt 5,59 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong nửa đầu tháng 3, Tổng cục Hải quan ghi nhận xuất khẩu dệt may tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6% so với nửa cuối tháng 2.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong tháng 1, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may Việt Nam tăng tới 10% so với năm 2020.

Điều này một phần là do kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2, trong khi đó Tết năm trước lại rơi vào tháng 1, nên mới có sự tăng trưởng khá cao. Trong tháng 2, tăng trưởng không được cao như tháng 1, trung bình mức tăng trưởng trong hai tháng đầu năm đạt mức 7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu vào Mỹ tăng 8% về lượng nhưng lại giảm về tỷ trọng từ 48 - 50% về 41% trong tổng lượng xuất khẩu của dệt may. Đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc vươn lên thành thị trường lớn thứ 2, ngang với EU trong tỷ trọng xuất khẩu của dệt may, cả hai thị trường này đều cùng chiếm 10%. 

"Trong hai tháng qua, lượng xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng trưởng tới 50% (sợi tăng 81%, may tăng 15%). Cũng là lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng hàng may mặc của Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng cao nhất trong các thị trường chính của Việt Nam", ông Trường cho hay.

Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi về ngưỡng trước dịch? - Ảnh 2.

Hoạt động xuất khẩu dệt may dần khởi sắc trong những tháng đầu năm 2021. (Ảnh: Vinatex).

Tình hình xuất khẩu khả quan của ngành hàng thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo ước tính trong quý I/2021, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex ở mức tương đối cao so với các năm trước và đạt trên 20% so với tổng mức có được cả năm 2019 trước dịch COVID-19. 

Tổng công ty Đức Giang (Mã: MGG) ước doanh thu quý I đạt 433 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 triệu USD, tăng 64%; doanh thu nội địa đạt 82 tỷ đồng, tăng 69%. 

Cả năm 2021, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng 11% đạt 2.332 tỷ đồng và lãi trước thuế 35 tỷ đồng, tăng 40%. 

Lũy kế 2 tháng đầu năm, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại - Thành Công (Mã: TCM) đạt doanh thu hơn 25 triệu USD, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế hơn 1,72 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.

TCM dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên kế hoạch doanh thu thuần 4.218 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 22% so với năm 2020 và lợi nhuận ròng 290 tỷ đồng, tăng 5%.

Công ty cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy may - dệt kim - nhuộm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu và đáp ứng các đơn hàng sợi, vải trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đồng thời, công ty dự kiến phát triển bán hàng trực tuyến thay vì mở chuỗi bán lẻ để đón đầu xu hướng mua sắm hiện đại.

Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 583 tỷ đồng. TNG cho biết đơn hàng đã xuống chi tiết hết quý II, đang trong quá trình triển khai, đưa đi gia công thêm và lên kế hoạch đàm phán chi tiết cho kế hoạch sản xuất quý III.

Tương tự, Công ty Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh năm 2021 sẽ phục hồi về mức trước dịch COVID-19 với doanh thu thuần đạt 2.358 tỷ đồng, lãi sau thuế 213 tỷ đồng; lần lượt tăng 34% và 49% so với năm 2020, tương đương năm 2019.

Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi về ngưỡng trước dịch? - Ảnh 2.

Dự báo tình hình năm 2021 sau khi đã đi qua gần hết quý I/2021, đại diện Vinatex đánh giá khả năng phục hồi thị trường là tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. 

Xuất khẩu dệt may trên đà phục hồi về ngưỡng trước dịch? - Ảnh 3.

Cụ thể, theo ông Trường các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10% và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức kim ngạch xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường.

"Chúng ta cũng hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và người tiêu dùng ở các quốc gia sau hơn một năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ rất lớn của Mỹ cho các doang nghiệp và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD", ông Lê Tiến Trường kỳ vọng.

Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, theo đại diện Vinatex ngành may cần quan tâm xử lý mối quan hệ giữa việc nhận đơn hàng dài hạn với đơn hàng có chu kỳ ngắn hơn, cần dự đoán sát diễn tiến thị trường đang biến động nhanh, chọn điểm rơi có giá và mặt hàng tối ưu cho từng doanh nghiệp.

Ngành vải cần xử lý được ưu đãi về giá trong hệ thống sản xuất sợi trong Tập đoàn, dựa trên giá thành tối ưu để cải thiện sản xuất trong quý II/2021. Còn với ngành sợi từ nay tới tháng 7/2021 cần dự đoán sát tình hình vụ bông mới, có chiến lược chuẩn bị nguyên liệu hợp lý để duy trì được hiệu quả cao trong cả năm 2021.

Đây cũng là dự báo của Hiệp hội dệt may Việt Nam khi cho rằng giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt mức 39 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước và cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2015-2019 là 9,9%.

Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. 

Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Như Huỳnh