|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Tank Việt Nam mùa 4: Nhiều 'văn nghệ', co ngắn màn gọi vốn, tăng tính giải trí?

17:14 | 09/08/2021
Chia sẻ
Thời lượng dành cho khâu gọi vốn của mỗi startup dường như bị co lại trong mùa 4, đồng thời nhiều tiết mục giải trí hơn được lên sóng.

Sự trở lại của Shark Tank Việt Nam mùa 4

Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế về đầu tư, kinh doanh từng gây sốt tại Mỹ cũng như một số quốc gia trong nhiều năm qua. Năm 2017, phiên bản Việt Nam chính thức được lên sóng và cũng nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. 

Mỗi tập chương trình được chiếu lại trên YouTube hiện đã tích lũy được từ 1-2 triệu lượt xem, một con số khá lớn. Đó là chưa kể những clip đoạn cắt hay reup cũng nhận một lượng người quan tâm theo dõi đáng kể.

Sự đón nhận từ khán giả cũng là một trong những động lực giúp chương trình kéo dài tới mùa thứ 4, sau khi phải hoãn ghi hình vì dịch bệnh vào năm ngoái. 

Mùa 4 không xuất hiện những nhà đầu tư mới, khi hầu hết các "cá mập" là những cái tên quen mặt với khán giả. 

Tuy nhiên mùa 4 lại có nhiều điểm khác biệt về mặt chuyên môn hơn, như việc có 4 startup/tập hay việc hàm lượng các "tiết mục văn nghệ" xuất hiện ngày một dày hơn (hầu như mỗi startup đều có một tiết mục mở màn, nhưng nhiều tiết mục không liên quan nhiều tới sản phẩm hay vấn đề chuyên môn). Nhìn lại các mùa trước, không xuất hiện nhiều tiết mục văn nghệ ở các màn gọi vốn của startup, hoặc đã được cắt trong khâu biên tập.

Thời điểm ngay trước khi lên sóng những tập đầu tiên mùa này, bài viết trên mạng xã hội của một nhà sáng lập bất ngờ nhận được sự quan tâm từ cộng đồng khởi nghiệp. Founder này tiết lộ chương trình đã liên hệ với ông để mời startup lên sóng.

Nhà sáng lập sau đó tiết lộ rằng ở phần diễn tập ghi hình, ban tổ chức đã yêu cầu ông "diễn" một số tiết mục mở màn, như cầm đàn hát cho các nhà đầu tư hoặc in các con số về doanh nghiệp lên áo, thuyết trình đến đâu lột áo tới đó. Startup từ chối và chỉ thuê hai người mẫu diễn phần mở màn.

Shark Tank Việt Nam mùa 4: Nhiều 'văn nghệ', co ngắn màn gọi vốn, tăng tính giải trí? - Ảnh 1.

Một tiết mục văn nghệ trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4. Ảnh: (Chụp màn hình).

Theo lời ông, ban tổ chức nhấn mạnh Shark Tank vẫn là một chương trình mang tính giải trí. Một người trong ban biên tập sau đó mời ông tới ghi hình đợt sau (sau thời điểm diễn tập một tháng), nhưng nhà sáng lập đã mạnh dạn từ chối và đi về.

Với việc số startup xuất hiện trong mỗi tập tăng từ ba lên 4, thời gian lên sóng của mỗi startup có thể sẽ bị co lại, và thời gian thực sự "gọi vốn" sẽ còn ít hơn nữa sau khi trừ đi thời gian cho những tiết mục văn nghệ.

Một nhà sáng lập mùa 3 từng chia sẻ với người viết rằng tổng thời gian ghi hình cho mỗi startup thường lên đến cả tiếng đồng hồ, nhưng khi lên sóng chỉ còn lại những chi tiết đáng chú ý nhất vào 10-15 phút ngắn ngủi để truyền tải cho khán giả. Phải chăng Shark Tank Việt Nam đang dần đi theo xu hướng là một chương trình giải trí?

Chương trình truyền hình thực tế hay giải trí?

Trước hết, cần hiểu rằng Shark Tank Việt Nam là một chương trình truyền hình thực tế, nhưng cũng như các chương trình truyền hình khác, thật khó để bỏ qua tính giải trí. Một chương trình truyền hình cần sự quan tâm của khán giả để duy trì và tồn tại. Trên thực tế, nhiều TV Show từng xuất hiện nhưng ít được quan tâm và rồi dần rơi vào quên lãng.

Hiện tại, tập Shark Tank Việt Nam mùa 4 sau khi chiếu lại trên YouTube thường đều cán mốc triệu view chỉ sau vài ngày. Điều này cho thấy sức hút của chương trình chưa có dấu hiệu giảm dù có thể vẫn đang dần chuyển dịch sang xu hướng "giải trí" hơn, từ khâu biên tập tới chọn lựa startup lên sóng.

Tiết lộ về tiêu chí tuyển chọn startup vào vòng ghi hình, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam cho biết ban giám khảo cũng để ý đến ngành nghề, giới tính, độ tuổi, vùng miền. Ngoài ra nếu có nhiều mô hình kinh doanh tương tự, thì ban giám khảo sẽ chỉ chọn một. 

"Ban Tổ chức sẽ cân nhắc các yếu tố ngành nghề, giới tính, độ tuổi, vùng miền. Nếu bạn bị loại ở vòng này thì đừng buồn bởi vì bạn chỉ ko may mắn một chút mà thôi. Ví dụ như có tới ba mô hình Cloud Kitchen thì Ban Tổ chức chỉ có thể chọn một", bà Hạnh chia sẻ.

Nếu để ý kỹ hơn, mùa 4 là mùa xuất hiện nhiều founder có yếu tố nước ngoài nhất (người nước ngoài sống tại Việt Nam, Việt kiều nhiều năm trở về quê hương....). Ngoài ra, các startup với tôn chỉ hoạt động "bảo vệ môi trường" cũng xuất hiện dày hơn. 

Nhận xét về một startup xây dựng công viên san hô, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse từng thẳng thắn chia sẻ: "Chúng ta cần tách bạch ra, ở Shark Tank chúng ta tìm kiếm mô hình kinh doanh để đầu tư sinh lời. Nếu vì môi trường, chúng ta sẽ có hoạt động riêng".

Tiểu Phượng