|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Loạt công ty đồ chơi định giá triệu đô từng xuất hiện trên sóng Shark Tank nhưng chỉ một startup chốt được deal vì lý do này

07:25 | 06/08/2021
Chia sẻ
Từ mùa đầu tiên cho đến mùa 4, trên sóng Shark Tank Việt Nam đã xuất hiện nhiều startup trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi cho trẻ em. Điểm chung của những startup này là đều đưa mức định giá công ty lên tới con số triệu USD.

Trong tập mở màn mùa đầu tiên của Shark Tank Việt Nam, xuất hiện startup Ekid Studio với người sáng lập Nguyễn Thuận Phát và người phụ trách về truyền thông và marketing Nguyễn Thu Hoài. Tuy nhiên, startup này ngay lập tức khiến hội đồng đầu tư "ngã ngửa" khi gọi tới 5 triệu USD cho 25% cổ phần của công ty. 

Thậm chí, Shark Thái Vân Linh còn nhận xét Ekid Studio đến Shark Tank Việt Nam với mục đích chính là PR cho thương hiệu.

Gọi vốn tới 5 triệu USD vì thị trường lớn, startup bị từ chối đầu tư

Theo đại diện startup cho biết, thị trường đồ chơi công nghệ tại Việt Nam là 15 triệu trẻ em đang ở độ tuổi từ 1 - 9, ước tính doanh thu 50 triệu USD mỗi năm. Ekid Studio cho biết họ bán cả ứng dụng và thẻ để mang cả thế giới lên bàn tay của bé.

Ông Nguyễn Thuận Phát cho biết, tại thời điểm gọi vốn, trong một năm hoạt động Ekids đã bán được 20.000 sản phẩm ra thị trường Việt Nam với doanh thu 300.000 USD và đã có đầu tư sơ khởi của Sở Khoa học công nghệ và Bộ Khoa học công nghệ, cùng một số đối tác Hàn Quốc với mức tổng đầu tư là 50.000 USD.

Startup đồ chơi tại Shark Tank Việt Nam: Hét giá triệu USD nhưng giành được deal chỉ nhờ một điểm - Ảnh 1.

Startup Ekids Studio đến Shark Tank Việt Nam để gọi vốn 5 triệu USD cho 25% cổ phần. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo lý giải của startup, tiềm năng thị trường là rất lớn. Không chỉ ở Việt Nam với 15 triệu khách hàng tiềm năng, nhóm còn đang có đối tác đầu tư để xuất khẩu sang Australia, Hàn Quốc và Mỹ.

Starup tự tin đến mức phủ nhận những giả thiết về rủi ro mà các cá mập đưa ra. Ông Thuận Phát cho rằng không có gì cản trở được bước chân của nhóm. Founder của Ekids cho biết việc kinh doanh đang có lãi nhưng lại từ chối tiết lộ con số với hội đồng đầu tư.

Tiềm năng lớn nhưng Shark Trần Anh Vương từ chối đầu tư vì con số mà startup đưa ra quá lớn trong khi không chứng minh được khả năng tài chính và khả năng thu hồi vốn, có lãi của Ekids Studio cũng rất khó. Shark Phạm Thanh Hưng và Thái Vân Linh cũng nối bước hai vị các mập, từ chối đầu tư cho Ekids vì cho rằng sản phẩm không có gì đặc sắc. 

Bên cạnh đó, bà Linh cho rằng việc startup đưa ra một con số quá cao, không thể đầu tư nổi là có chủ đích. Vị cá mập nhận xét startup đang chỉ muốn được lên sóng truyền hình chứ không có ý định gọi vốn.

Làm đồ chơi hướng tới giáo dục, startup được rót nửa triệu USD

Trong tập 11 Shark Tank Việt Nam mùa 2 đón chào sự xuất hiện của startup Magic Book - một đơn vị phát triển đồ chơi kết hợp với công nghệ, giúp trẻ em tập vẽ, học tiếng Anh, học tiếng Việt, phát triển tư duy, xếp hình sáng tạo. CEO Founder Bùi Quang Huy đã kêu gọi 500.0000 USD cho 20% cổ phần của công ty.

Về mức định giá công ty lên tới 2,5 triệu USD của Magic Book, ông Bùi Quang Huy cho biết startup đã vượt qua 3/5 giai đoạn phát triển của một công ty khởi nghiệp. Startup hoàn thiện, đưa sản phẩm ra thị trường thường trị giá 1,5 – 2,5 triệu USD. Ông Huy kỳ vọng sẽ bán được 400.000 sản phẩm, tương đương với 4 triệu USD trong năm thứ hai.

Startup đồ chơi tại Shark Tank Việt Nam: Hét giá triệu USD nhưng giành được deal chỉ nhờ một điểm - Ảnh 2.

Magic Book gọi vốn thành công trên Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tại thời điểm gọi vốn, ông Huy tiết lộ công ty đã bán được hơn 600 bộ tiếng Anh được tung ra thị trường. Trung bình khách hàng trải nghiệm 3 lần/ ngày và thường dùng ứng dụng tầm 20 phút/ lần.

Màn gọi vốn của Magic Book đã thu hút được sự chú ý của Shark Nguyễn Ngọc Thủy. Ông cho biết: “Hướng đi giáo dục ứng dụng công nghệ rất tiềm năng. Tôi sở hữu đội ngũ công nghệ, có thể hỗ trợ bạn kênh phân phối. Đồng thời, Apax Leaders đang phát triển chuỗi dạy tư duy, kỹ năng cho trẻ em."

Do đó, Shark Thuỷ đưa ra con số 200.000 USD cho 30% cổ phần và 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi trong hai năm tùy theo thỏa thuận, KPI. Shark Thủy cho rằng startup chưa chứng minh được doanh thu, độ chấp nhận thị trường và chỉ đáng giá 600.000 – 700.000 USD thay vì 2,5 triệu USD theo định giá ban đầu.

Sau đó, CEO Founder của Magic Book đã gật đầu đồng ý với deal mà Shark Thủy đưa ra, bắt tay cùng nhau phát triển hệ thống giáo dục ứng dụng công nghệ.

Định giá công ty hơn 1 triệu USD nhưng không có căn cứ

Trong tập 14 Shark Tank Việt Nam mùa 4 có sự xuất hiện của startup URRA Việt Nam - một đơn vị sản xuất các trò chơi board game như cờ vua, cờ tướng, cá ngựa... Ông Vũ Trung Kiên là người đại diện startup lên thuyết trình, kêu gọi 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty, đồng nghĩa mức định giá công ty lên tới 25 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD).

URRA được thành lập từ từ tháng 9/2020 và đã  được đầu tư khoảng 1 tỷ tiền mặt. Về bức tranh tài chính, tính đến hết tháng 12, doanh thu thu về là 795 triệu, hàng tháng được khoảng từ 250 đến 500 triệu.

Mức giá của URRA chính là điểm khác biệt lớn nhất với các món đồ chơi khác trên thị trường. Cụ thể, ông Kiên cho biết một bộ cờ cá ngựa trên thị trường hiện giờ cớ mức giá từ 180.000 đến 250.000 đồng, trong khi bộ cờ cá ngựa của URRA có giá 790.000 đến 1,2 triệu đồng.

Startup đồ chơi tại Shark Tank Việt Nam: Hét giá triệu USD nhưng giành được deal chỉ nhờ một điểm - Ảnh 3.

Ông Vũ Trung Kiên, Founder của URRA Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Kênh bán hàng chính của URRA hiện tại là online. Chi phí thu hút một khách hàng chiếm 25% giá trị trung bình đơn hàng. Giá vốn sản phẩm chiếm từ 20 – 30%.

Về mức định giá công ty 25 tỷ,  ông Trung Kiên cho biết mức định giá này không có căn cứ và startup thừa nhận hơi ảo tưởng về giá vì trước đó còn định giá lên tới 45 tỷ. Tuy nhiên, startup tự tin vì vừa bán đã đạt doanh thu ngay và chưa có lỗ.

Tính trên dung lượng thị trường trong vòng 5 năm, URRA có thể sản xuất ra khoảng 300.000 sản phẩm/năm. Đại diện startup tự tin vào năng lực sản xuất của mình. Nếu được gọi vốn, startup đặt ra mục tiêu doanh thu cộng dồn trong 5 năm tới là 300 tỷ.

Tuy nhiên, đại diện URRA đã thất bại trong việc gọi vốn. Theo Shark Phú, startup đưa ra những con số rất lớn nhưng lại không có căn cứ để xác định những con số đó. Trong khi Shark Linh nhận định startup chưa xác định được phân khúc khách hàng trong thị trường, đang bị nằm giữa phân khúc cao cấp và trung cấp.

"Vì nếu người có tiền họ ra nước ngoài mua đồ thực sự cao cấp. Những người không đủ tiền thì sẽ mua theo tầm mức lương của họ... Bạn phải cao cấp hoặc là mass chứ đừng có ngay giữa”, Shark Linh đánh giá. Shark Liên thì không hào hứng với lĩnh vực này.

Shark Bình và Shark Phú không đầu tư vì cho rằng startup không có hệ thống phân phối, khả năng marketing, chi phí bán hàng online cao chưa chắc đã đạt được doanh thu như startup đưa ra và nhu cầu của thị trường chưa được chứng mình.

Điểm quan trọng nhất là hội đồng đầu tư cho rằng startup có quá nhiều đường lui khi tự giới thiệu nhiều mảng kinh doanh của mình, chưa kể là việc nhập nhằng giữa startup với đơn vị sản xuất cũng là lý do khiến các cá mập e dè với URRA Việt Nam. Kết quả như đã nói, ông Vũ Trung Kiên và URRA Việt Nam ra về tay trắng.

Thùy Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.