|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chưa có app trên kho ứng dụng đã đi gọi vốn, startup được Shark Bình tha thiết khuyên dừng lại để 'đỡ phí thanh xuân'

07:43 | 09/08/2021
Chia sẻ
Mang đến ứng dụng quản lý tài chính cá nhân MoneyBot, nhóm sáng lập không nhận được cú gật đầu của bất kỳ Shark nào.

Tập 15 chương trình "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" chứng kiến màn gọi vốn của một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech).

Cụ thể, bà Trần Thu Hằng và ông Trần Đức Giang, hai người đồng sáng lập của dự án MoneyBot, mong muốn kêu gọi 1,5 tỷ cho 10% cổ phần trong startup ứng dụng quản lý tài chính cá nhân.

Startup lên Shark Tank gọi vốn được Shark Bình 'khẩn khoản, tha thiết' khuyên dừng lại để 'đỡ phí thanh xuân' - Ảnh 1.

Bà Trần Thu Hằng có kinh nghiệm trong việc thiết kế ứng dụng di động trong khi đó ông Trần Đức Giang có kinh nghiệm ở mảng công nghệ. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Theo chia sẻ của cặp đôi người sáng lập, MoneyBot hiện là ứng dụng quản lý tài chính cá nhân đầu tiên và duy nhất trên thị trường có tính năng chatbot và áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ người dùng nhập thông tin chi tiêu của mình dưới ba hình thức: tin nhắn văn bản, tin nhắn âm thanh và quét hoá đơn.

Bên cạnh đó, MoneyBot cũng có khả năng phân tích hành vi chi tiêu của người dùng để đưa ra những lời khuyên. Ứng dụng tham vọng có thể tích hợp được với các dịch vụ như ví điện tử, ngân hàng và bảo hiểm. Bằng cách này, MoneyBot có thể trở thành một đại lý phân phối sản phẩm, dịch vụ cho các đơn vị nói trên.

Nhóm sáng lập ước tính chi phí hoạt động trong năm đầu tiên là 3,8 tỷ đồng và doanh thu kỳ vọng 6,3 tỷ đồng. Với kế hoạch này, công ty có thể sẽ có lợi nhuận sau chỉ hơn một năm. Một điểm cần lưu ý là ở thời điểm gọi vốn, ứng dụng MoneyBot vẫn chưa được đưa lên các kho ứng dụng.

Bà Trần Thu Hằng chia sẻ doanh thu của MoneyBot đến từ số lượng tải về (khi đạt đến một số lượng tải về nào đó, Apple hay Google sẽ trả tiền cho các nhà phát hành trên mỗi lượt tải về), bán tài khoản trả phí (premium) và quảng cáo. 

Về mô hình premium, MoneyBot dự tính sẽ thu phí 19.000 đồng/tháng và 83.000 đồng/năm. Bà Hằng nói rằng quảng cáo sẽ chiếm phần lớn tỷ trọng doanh thu của MoneyBot, tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể, nữ đồng sáng lập lại chưa nắm rõ được con số dự kiến.

Doanh thu đến từ hoạt động đại lý ngân hàng hay bảo hiểm sẽ đến ở những giai đoạn sau, khi startup đạt một độ chín nhất định.

Theo Shark Bình, bản chất của MoneyBot là một ứng dụng "ghi sổ" chi tiêu. Vì thế, trên các kho ứng dụng hiện không thiếu các ứng dụng tương tự và hoàn toàn miễn phí. Ông Giang khẳng định sự khác biệt của MoneyBot đến từ việc nhập liệu. Thay vì phải nhập chi tiết các thông tin như thời gian hay khoản mục chi tiêu, người dùng có thể gửi một tin nhắn ngôn ngữ tự nhiên trong MoneyBot và ứng dụng này sẽ thực hiện bóc tách thông tin.

Sau khi nghe xong phần trình bày, Chủ tịch NextTech vẫn khẳng định các công nghệ mà MoneyBot đang áp dụng không có gì mới. Cùng thời điểm, startup này cũng vào thị trường quá muộn. Vì thế, ông khuyên MoneyBot không nên đi theo hướng "sáng chế lại chiếc bánh xe".

Đồng quan điểm, Shark Hưng cho rằng MoneyBot nên sử dụng một mô hình kinh doanh khác bởi các hình thức kiếm doanh thu hiện tại của nó như thu tiền từ người dùng (subscription) hay từ lượt tải về đều khá truyền thống và rất khó tăng quy mô. Theo ông, việc đi theo mô hình trung gian bán các sản phẩm của ngân hàng hay bảo hiểm có thể là hướng đi tốt. Tuy nhiên, trước đó, MoneyBot cần phải là một ứng dụng miễn phí và hữu ích.

MoneyBot cho biết kỳ vọng sẽ có 1 triệu người dùng trong thời gian 5 năm tới thông qua các chiến dịch marketing như nhắm vào nhóm người dùng sinh viên, người dùng dùng nhỏ lẻ thông qua các sự kiện về tài chính cá nhân và sử dụng KOLs. MoneyBot cũng thừa nhận Shark Tank chính là một kênh để sản phẩm này được nhiều người biết đến hơn.

Đối với phiên bản premium của MoneyBot, ứng dụng này có thêm một số tính năng như thêm vào thẻ ngân hàng không giới hạn, không có quảng cáo hay chia sẻ hoá đơn (share bill). Trong giai đoạn tiếp theo, người dùng trả phí của MoneyBot còn có thể nhận được các voucher khi dùng các dịch vụ như bảo hiểm.

Shark Bình một lần nữa khẳng định MoneyBot nên thay đổi hướng đi để "đỡ phí tuổi thanh xuân" vì công nghệ không có gì mới, trong khi đó với người đi sau, để có được một người dùng thì chi phí marketing người dùng sẽ gấp ba lần một công ty đi trước. Shark Bình quyết định không đầu tư.

Shark Hưng khuyên MoneyBot nên thay đổi mô hình kinh doanh vì hiện tại chưa có năng lực cạnh tranh cốt lõi trong khi đó các định hướng về marketing vẫn còn khá mù mờ. Ông cùng Shark Liên và Shark Phú đều quyết định không đầu tư. Với Shark Phú, ông khuyên MoneyBot nên tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần vì các nhà đầu tư ngồi ghế "cá mập" thường quan tâm đến các startup đã có sản phẩm thực tế.

Shark Linh cho biết MoneyBot đã làm đúng ở việc bắt đầu từ "nỗi đau" của người dùng khi dùng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trước đây. Tuy nhiên, bà lo ngại về việc MoneyBot chưa tư duy đủ sâu cho các hướng đi tiếp theo của mình. Shark Linh cũng không đầu tư.

Nam Khánh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...