'Shark' Nguyễn Thanh Việt chỉ ra 7 ngành sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong 5-10 năm tới
Tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Việt là nhà đầu tư cam kết rót nhiều vốn nhất (188,3 tỉ đồng) trong số các "cá mập" tham gia. Những startup đáng chú ý mà shark Việt đầu tư bao gồm ứng dụng kết nối du lịch Triip.me và dự án turbine gió của nhà sáng chế Lại Bá Ất.
Mới đây, trên kênh youtube cá nhân, ông Việt nhận định về những ngành nghề sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong vòng 5-10 năm tới. Hầu hết trong số đó đều là những ngành nghề mà Chủ tịch Intracom đã và đang đầu tư.
Công nghệ
"Việt Nam trong 5 năm tới sẽ có rất nhiều ngành nghề có thể bùng nổ, đặc biệt là công nghệ và liên quan công nghệ 4.0 cũng như các công nghệ khác", ông Nguyễn Thanh Việt nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Việt cam kết đầu tư 500.000 USD, đổi lấy 6,6% cổ phần của Triip.me. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông Việt đã đầu tư và nhiều nền tảng công nghệ như eDoctor (công nghệ y tế), Triip.me (công nghệ du lịch) và Tối nay ăn gì (công nghệ trong lĩnh vực ẩm thực).
Nông nghiệp
Chủ tịch Intracom nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển nông nghiệp. Trong số đó, ông nhấn mạnh vào các ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp phát triển bền vững.
Cũng trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông Nguyễn Thanh Việt đã đầu tư 5 tỉ đồng vào startup Dalat Foodie để lấy 20% cổ phần. Nhà sáng lập Hoàng Sương sau đó đã từ chối lời đề nghị của Shark Linh để nhận đầu tư của Shark Việt.
Giáo dục
Ông Việt cho rằng cung, cầu trong ngành giáo dục đang có vấn đề. Chính vì thế phát triển ngành giáo dục sẽ có tương lai rất sáng.
Trung tâm đào tạo toán tư duy MathMap Academy nhận được đề nghị đầu tư của shark Việt. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Trong quá khứ, shark Việt từng đưa ra lời đề nghị 5 tỉ đồng đổi lấy 15% cổ phần của chuỗi trung tâm dạy toán MathMap Academy. Tuy nhiên các nhà sáng lập đã quyết định từ chối đề nghị của ông và nhận đề xuất của shark Thủy.
Y tế
Tương tự nhận định về ngành giáo dục, ông Việt đánh giá đây là một ngành mà cầu lớn hơn cung.
"Để có một ngành y tế hoàn chỉnh phục vụ con người, tiệm cận với khoa học kĩ thuật thế giới, chúng ta còn có nhiều vấn đề cần giải quyết, và đó là một cơ hội", ông Việt cho hay.
Ông Việt đã đầu tư vào y tế với việc sở hữu tổ hợp y tế Phương Đông. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Hiện tại, ông Nguyễn Thanh Việt đang sở hữu tổ hợp y tế Phương Đông với qui mô 1.000 giường bệnh và có khả năng tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Dịch vụ liên quan cơ sở hạ tầng
Ông Việt cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang rất kém. Các công ty khởi nghiệp nhỏ khó lòng có thể trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các startup có thể cung cấp các dịch vụ đi kèm với cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu đường.
"Có những loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp lớn không thể làm tốt hơn doanh nghiệp nhỏ", ông Việt nhấn mạnh.
Logistic
Dịch vụ Logistic của Việt Nam vẫn còn kém, và là một thị trường đang chờ đón startup. Đó là nhận định của Chủ tịch Intracom về ngành vận tải hiện tại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành logistic còn có lợi thế khi không cần đầu tư quá nhiều vốn ban đầu như những công ty cung cấp dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Doanh nghiệp mang tính chất kết nối
"Sự chênh lệch giữa Việt Nam và các nước phát triển cũng như chênh lệch giữ Việt Nam và các nước chưa phát triể đang là rất lớn", ông Việt phân tích.
Do đó, ông cho rằng những doanh nghiệp mang tính chất kết nối như du lịch sẽ bùng nổ trong tương lai.
"Đừng nghĩ những thứ truyền thống người ta làm rồi thì ta không làm được. Người khởi nghiệp làm theo cách khác thì vẫn có con đường đi riêng", ông Việt kết luận.