|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Liên đầu tư hơn 1 triệu USD vào startup nhựa sinh học làm quà tặng cho chồng

07:23 | 05/07/2021
Chia sẻ
Vốn quan tâm đến lĩnh vực môi trường và nhận thấy tiềm năng to lớn của hạt nhựa sinh học, Shark Liên tuyên bố đấu đến cùng với Shark Hưng để đầu tư cho dự án iGreen.

Tập 10 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" chứng kiến sự xuất hiện của một startup trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Đây là lĩnh vực nằm trong mục tiêu đầu tư của nhiều Shark như Shark Liên hay Shark Louis Nguyễn.

Shark Liên đầu tư hơn 1 triệu USD vào startup nhựa sinh học làm quà tặng cho chồng - Ảnh 1.

Hai người đồng sáng lập dự án iGreen với sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học. Theo 2 người, sản phẩm nhựa của iGreen có thể phân huỷ hoàn toàn sau 6 tháng. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Cụ thể, ông Đoàn Văn Tùng và Tô Quốc Bình, hai người đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ phát triển iGreen, đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 25 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần công ty. Hai người đồng sáng lập cho biết toàn bộ số tiền đầu tư sẽ dùng để mua sắm dây chuyền sản xuất tạo hạt nguyên liệu phân huỷ sinh học của Châu Âu. 

Ông Tùng khẳng định các sản phẩm đầu cuối do iGreen sản xuất đã được tổ chức TUV (chứng nhận an toàn sản phẩm trên toàn thế giới) chứng nhận với ba cấp độ kiểm tra: độ phân huỷ sinh học, kim loại nặng và độc tố sinh thái.

Về giá thành sản phẩm, ông Tùng cho biết hạt nhựa của công ty được ứng dụng cho 3 công nghệ khác nhau, tuỳ thuộc vào sản phẩm cuối, là công nghệ thổi đùn, công nghệ ép phun và công nghệ ép đúc. Trong đó, giá thành thấp nhất dành cho công nghệ ép phun dao động từ 80.000 đồng đến 82.000 đồng/kg. Đối với ép phun, giá bán là khoảng 95.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Mức giá này tương đương với giá nhập khẩu từ nước ngoài.

Tháng 4/2020, iGreen đã bán được sản phẩm cho một số cửa hàng, hệ thống khách sạn với doanh số sản phẩm cuối khoảng 800 triệu đồng và biên lợi nhuận khoảng 15%. Ông Tùng giải thích sản phẩm cuối đang nhắc đến ở đây là bao bì và ống hút. Tuy nhiên, mục đích cuối của iGreen là bán hạt nhựa nguyên liệu thay vì bán các sản phẩm cuối. Hiện tại, iGreen đang sản xuất sản phẩm cuối với mục đích giáo dục và thuyết phục thị trường.

"Nếu bán sản phẩm cuối thì iGreen chỉ tưới được một góc cánh đồng, chúng tôi muốn tưới cả cánh đồng", ông Tùng nhấn mạnh. Dù vậy, với sản phẩm hạt nhựa nguyên liệu iGreen mới chỉ ký được một số biên bản ghi nhớ.

Khi được Shark Hưng hỏi về việc nếu toàn bộ 25 tỷ để đầu tư vào máy móc, thiết bị nhưng Shark chỉ có 35% cổ phần, vậy 65% cổ phần còn lại đến từ đâu, ông Tùng khẳng định 65% còn lại thuộc về các thành viên chủ chốt của dự án, bao gồm 2 người sáng lập và một tiến sỹ nước ngoài phụ trách mảng R&D.

Ông Tùng nhấn mạnh thêm rằng hiện tại mới chỉ có 4 công ty ở Việt Nam được TUV cấp chứng nhận và mới chỉ 2 trong số đó có sản phẩm thương mại hoá. Nhóm sáng lập iGreen khẳng định năng lực R&D là lợi thế cạnh tranh của startup này.

Hiện tại, iGreen đã có một xưởng đặt tại Quận 12, TP.HCM với số tiền đầu tư 4 tỷ đồng. Nếu được đầu tư 25 tỷ đồng, iGreen mong muốn đặt nhà máy ở Bình Dương hoặc Đồng Nai với lợi thế nằm gần cảng Cát Lái để thực hiện xuất khẩu. Trong tương lai, mục tiêu của iGreen là có 50% doanh thu từ thị trường nội địa và 50% doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Trong 5 năm tới, iGreen hướng đến mục tiêu doanh thu 350 tỷ và lợi nhuận tích luỹ tối thiểu 15%. iGreen tự tin khẳng định hiện tại trên thị trường chỉ có 1 công ty với sản phẩm tương tự, các công ty khác nếu có sản phẩm tương tự thì đầu là do iGreen chuyển giao công nghệ.

Shark Hưng bày tỏ sự quan tâm đến iGreen và đưa ra đề nghị đầy tư 25 tỷ đồng cho 75% công ty.

Shark Louis Nguyễn cho biết đang khởi động một quỹ đầu tư mới tập trung vào môi trường, xã hội, đầu tư vững bền và trách nhiệm. Ông cho rằng iGreen phù hợp với tiêu chí đầu tư song các cổ đông của quỹ này đều yêu cầu các công ty phải có doanh thu, lợi nhuận rõ ràng. Vì thế, ông chưa thể đầu tư ở thời điểm hiện tại. Các định giá dựa vào dòng tiền trong tương lai của iGreen cũng chưa phù hợp vì thực tế công ty này chưa có các hợp đồng mua bán mà mới chỉ có biên bản ghi nhớ.

Shark Bình cũng từ chối đầu tư do không phù hợp với khẩu vị thiên về công nghệ, chuyển đổi số của ông. Trong khi đó, Shark Phú không đầu tư vì trước đó đã từng đầu tư vào lĩnh vực tương tự.

Khẳng định quan tâm đến lĩnh vực môi trường và quyết tâm đấu đến cùng với Shark Hưng, Shark Liên cho biết có thể hỗ trợ được iGreen ở nhiều khía cạnh như đất đai hay mối quan hệ với một viện nghiên cứu ở Đức. Bên cạnh đó, bà Liên cũng muốn đầu tư vào iGreen để tặng chồng do ông cũng quan tâm đến lĩnh vực môi trường. Bà đưa ra đề nghị đầu tư 25 tỷ đồng cho 49% cổ phần.

Do Shark Liên muốn đầu tư tặng chồng nên Shark Hưng không muốn cạnh tranh thêm với Shark Liên, Shark Hưng không thay đổi lời mời đầu tư của mình. Cuối cùng, iGreen đồng ý với lời mời đầu tư của Shark Liên.

Nam Khánh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.