|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup tự nhận có mô hình dạy Tiếng Anh chưa từng xuất hiện tại Việt Nam ra về trắng tay ở Shark Tank

07:31 | 05/07/2021
Chia sẻ
Tự tin có thể cải thiện được khả năng phát âm và giao tiếng Tiếng Anh của học viên song Jackma English Homestay lại không nhận được cái gật đầu từ nhà đầu tư nào.
Startup với mô hình dạy Tiếng Anh chưa từng có ở Việt Nam ra về trắng tay tại Shark Tank - Ảnh 1.

Anh Lê Xuân Vũ, người sáng lập Jackma English Homestay, không thuyết phục được các nhà đầu tư "xuống tiền". (Ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Trong tập 10 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", anh Lê Xuân Vũ mang đến một mô hình học tiếng Anh duy nhất và chưa từng có ở Việt Nam trong một dự án có tên Jackma English Homestay. Số vốn anh Vũ kêu gọi là 2 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần.

Nhận ra những painpoints (nỗi đau) của những người đang trong độ tuổi lao động muốn học tiếng Anh là phải di chuyển giữa nơi ở, nơi học Tiếng Anh và nơi làm việc gây ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu quả học tập, Jackma English Homestay mang đến thị trường mô hình kết hợp dạy tiếng Anh và lưu trú cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra cho từng học viên. Với mô hình này, Jackma English Homestay có thể dạy Tiếng Anh cho học viên ngay tại nơi ở và học viên có thể dùng Tiếng Anh 24/7.

Hiện tại, chi phí Jackma English Homestay thu của học viên là 4,5 triệu, trong đó 2 triệu là chi phí lưu trú và 2,5 triệu là chi phí cho việc học Tiếng Anh. Khi đăng ký học, học viên có thể đăng ký học tối đa cả 4 buổi trong một ngày hoặc tối thiểu là 1 buổi trên một ngày (mỗi buổi 1,5 tiếng) với giáo viên người nước ngoài. Với mức giá này, ở mức thấp nhất, một buổi học chỉ có giá 40.000 đồng.

Hiện tại, Jackma English Homestay đang có 2 chi nhánh với chi nhánh thứ nhất hoạt động từ tháng 4/2019 với doanh số trung bình hàng tháng là 120 triệu đồng cùng lợi nhuận ròng sau khấu hao là 15%. Chi nhánh thứ 2 hoạt động từ tháng 11/2020 với doanh số trong tháng gần nhất là 140 triệu đồng.

Tổng doanh thu của dự án trong năm 2019 là 720 triệu, trong khi đó con số của năm 2020 là 1,6 tỷ. Về chi phí thiết lập chi nhánh, anh Lê Xuân Vũ thừa nhận do chưa có kinh nghiệm nên chi phí cho chi nhánh đầu tiên lên tới 500 triệu đồng. Đến chi nhánh thứ 2, anh chỉ mất 370 triệu đồng để hoàn thành công tác thiết lập ban đầu. Hiện tại, Jackma English Homestay tự tin có thể giảm mức chi phí ban đầu xuống còn 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng, tuỳ thuộc vào địa điểm.

Anh Vũ cho biết Jackma English Homestay đã có khoảng 330 học viên. Một homestay có thể chưa được từ 42 đến 52 học viên. Học viên nội trú trung bình thường sử dụng dịch vụ của Jackma English Homestay trong 3,4 tháng. Khoảng thời gian của học viên ngoại trú là từ 6 đến 9 tháng.

Shark Bình cho rằng với mô hình hoạt động của Jackma English Homestay, việc tăng quy mô dự án sẽ rất chậm. Để giải bài toàn này, anh Vũ khẳng định Jackma English Homestay đang có tới 3 nguồn doanh thu: học viên nội trú, học viên ngoại trú và bán tài liệu đào tạo. Shark Liên cho rằng việc học Tiếng Anh hiện tại là không khó tiếp cận, vì thế, bà hoài nghi sự khác biệt mà Jackma English Homestay có thể mang đến cho học viên.

Đến đây, anh Vũ cho rằng điều Jackma English Homestay có thể mang đến cho học viên là động lực học tập. Học viên Jackma English Homestay có thể bị phạt tiền nếu sử dụng Tiếng Việt trong quá trình lưu trú.

Shark Phú cho rằng Jackma English Homestay có hai vấn đề là tìm kiếm giáo viên và tìm kiếm học viên, trong đó ông quan tâm hơn đến cách startup này tìm kiếm học viên. Trả lời câu hỏi của Shark Phú, anh Vũ nói rằng 50% học viên của Jackma English Homestay đến từ nguồn học viên cũ giới thiệu, phần còn lại đến từ việc marketing trên Internet.

Shark Louis Nguyễn đặt ra câu hỏi về vấn đề quản trị chất lượng đầu ra cho học viên. Đến đây, anh Vũ cho biết Jackma English Homestay sẽ áp dụng bài test đầu vào và bài test hàng tháng. Bên cạnh đó, học viên cũng phải ghi lại quá trình học tập của mình trong sổ tay từ vựng. Các giáo viên trong Jackma English Homestay đều phải có hai chứng chỉ là TESOL và TOEFL.

Cho rằng dự án khó tăng quy mô và Jackma English Homestay hoàn toàn có thể mở rộng theo từng chi nhánh, Shark Phú quyết định không đầu tư. Shark Liên cũng không đầu tư vì cho rằng việc tiếp cận học Tiếng Anh hiện tại không khó và vấn đề đến từ động lực người học.

Shark Hưng không đầu tư vì 3 lý do: mô hình đầu tư không rõ ràng, thị trường nhỏ (không nhiều người sẵn sàng đến lưu trú và học Tiếng Anh) và thiếu năng lực cạnh tranh chủ đạo. Dù vậy, Shark Hưng thừa nhận Jackma English Homestay hoàn toàn có thể thành công ở một quy mô nhỏ.

Trái ngược với suy nghĩ của Shark Hưng, Shark Bình cho rằng mô hình Jackma English Homestay có cơ sở nhưng chiến lược định giá lại có vấn đề. Shark Bình khuyên Jackma English Homestay nên tinh chỉnh thêm mô hình kinh doanh và có thể vươn lên phân khúc dịch vụ cao cấp với mức giá tối thiểu từ 10 đến 15 triệu đồng trên mỗi học viên. 

Shark Louis Nguyễn là người cuối cùng lắc đầu. Ông nhận định Jackma English Homestay nên lựa chọn một tên gọi trung lập hơn trong tên dự án thay vì một tên gọi cá nhân như Jack Ma.

 

Nam Khánh