Startup cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển liên tiếp từ chối 5 lần mời đầu tư trị giá 1 triệu USD tại Shark Tank
Trong tập 10 chương trình Shark Tank mùa 4, anh Lê Quang Duy, CEO Công ty cổ phần và đầu tư Namaste, nơi chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển (Seawalker) tại Phú Quốc đã đem đến mô hình kinh doanh đặc biệt tại Việt Nam.
Anh Duy chia sẻ Namaste là đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện để hoạt động cho bộ môn Seawalker và cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại sở hữu công viên san hô được Hiệp hội Kỷ lục gia Việt Nam trao chứng nhận vào ngày 3/1/2020.
Ngoài ra, anh cũng chia sẻ rằng bản thân là một người bơi lội rất giỏi nhưng gặp sự cố đuối nước vào năm 2012. Trong khoảng 4 năm sau đó, anh không dám đến gần mặt biển. Năm 2016, anh Duy đã quyết tâm đi học lặn để trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp.
Đó cũng chính là thời điểm mà ý tưởng kinh doanh cũng như công nghệ Seawalker của anh Duy được ra đời.
Tuy nhiên, anh chia sẻ rằng hàng năm hiện tượng El Nino đã làm nhiệt độ nước biển gia tăng, sinh ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên khắp các vùng biển ở Việt Nam. Nếu như không ai làm gì, các rạn san hô có thể sẽ biến mất ở Việt Nam sau khoảng 30 năm nữa.
Anh Duy quyết định khôi phục môi trường biển thông qua con đường kinh doanh. Tháng 1/2018, đơn vị của anh cho ra mắt cơ sở đầu tiên, tàu Seaworld với mô hình đi bộ dưới đáy biển để tham quan công viên san hô.
Theo anh Duy, công viên này rộng khoảng 1 ha với hơn 200 loài san hô và hàng trăm loài cá. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị của anh Duy đã phục vụ được hơn 30.000 du khách, đem về doanh thu 20 tỷ đồng và lợi nhuận 4 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ sở một cũng có vườn ươm san hộ trong phạm vi khoảng 9.000 m2.
Cơ sở hai là du thuyền Nautilus dự kiến sẽ được đưa vào phục vụ khách hàng từ quý III/2021. Anh Duy đưa ra lời đề nghị 1 triệu USD cho 7% cổ phần với kỳ vọng các Shark sẽ đồng hành, khôi phục thêm 40 ha để nhân giống san hô và khôi phục các vùng biển khác tại Phú Quốc.
Tới phần hỏi đáp, Shark Hưng có đặt một vài câu hỏi về số lượng loài đang sở hữu và số lượng loài đang được ươm giống. Anh Duy trả lời rằng hiện đơn vị đã sưu tập được khoảng 200 loài so với tổng số 400 loài trên thế giới, đồng thời cũng nuôi trồng thực tế được khoảng 18 loài.
Anh cũng chia sẻ đăng ký dự án với tỉnh Kiên Giang với giá trị 64 tỷ đồng, đã giải ngân và đầu tư khoảng 90 tỷ đồng thông qua vốn vay và vốn cá nhân. Theo Shark Hưng, anh Duy đang định giá Namaste vào khoảng 305 tỷ đồng, qua đó thiết lập kỷ lục về mức định giá chào của startup từ đầu mùa 4.
Chia sẻ về mức định giá, anh Duy cho biết tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 12 tỷ đồng, cơ sở thứ hai là một dạng công viên nổi đã giải ngân khoảng 2,8 triệu USD, dự kiến đến khi hoàn thành khoảng 4 triệu USD.
Khi được Shark Phú hỏi về chi tiết vốn vay và vốn chủ sở hữu, anh Duy chia sẻ đã vay khoảng 20 tỷ đồng và 70 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, dự án của anh Duy mới chỉ có chủ trương và vận hành dịch vụ khoảng 1 ha. Theo anh, trong vòng ba tháng qua, doanh thu của công ty đạt khoảng 8 tỷ đồng. Nếu doanh thu một năm đạt 30 tỷ đồng, lợi nhuận thu về sẽ đạt 20%, tương đương khoảng 6 tỷ đồng.
Sau khi tính toán chiết khấu về dòng tiền hiện tại, Shark Hưng cho biết phải mất khoảng 100 năm anh Duy mới có thể thu về khoản tiền bằng với giá trị của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, tương đương 300 tỷ đồng.
Shark Phú chia sẻ việc định giá công ty quá cao sẽ rất khó để các Shark có thể đầu tư và startup nên tính toán lại khoản định giá nếu không muốn gặp bất lợi. "Các rạn san hô đấy em bảo vệ bằng cách nào?", Shark Liên đặt câu hỏi cho anh Duy về vấn để và giải pháp để bảo vệ các rạn san hô trước con người.
Anh Duy cho biết thời gian trải nghiệm dịch vụ tối đa từ 15 đến 20 phút, mỗi ngày tối đa 150 người. Du khách trải nghiệm sẽ có một huấn luyện viên đi kèm, vừa làm nhiệm vụ dẫn dắt và bảo vệ, vừa có trách nhiệm bảo vệ các rạn san hô. Ngoài ra, mỗi cơ sở sẽ hoạt động trong vòng 6 tháng, thời gian còn lại sẽ dành cho việc phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái.
Shark Louis Nguyễn sau đó cũng đặt câu hỏi về hình thức kinh doanh của công ty. Anh Duy trả lời rằng dịch vụ đi bộ dưới đáy biển hiện tại ở Phú Quốc có giá 950 nghìn đồng/20 phút, ngoài ra còn các dịch vụ khác kèm theo. Mỗi ngày cơ sở một phục vụ được khoảng 120 – 150 khách, cơ sở hai dự kiến đạt 320 – 400 khách, biên lợi nhuận gia tăng tối thiểu 20%.
Shark Hưng nói rằng cách anh Duy làm chưa được cụ thể, giống như việc làm tới đâu hay tới đó. Tuy nhiên, Shark vẫn đưa ra lời đề nghị 1 triệu USD cho 25% cổ phần.
Shark Bình cũng chia sẻ về điểm yếu mà công ty của anh Duy đang gặp phải đó là dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch và chưa biết khi nào mới có thể phục hồi. Dù vậy, Shark Bình đã từng trải nghiệm dịch vụ của anh Duy và đưa ra lời đề nghị trị giá 1 triệu USD cho 20% cổ phần.
Trong khi đó, Shark Louis Nguyễn, Shark Liên và Shark Phú quyết định không đầu tư vào mô hình kinh doanh này.
Tuy nhiên, Seawalker lại đưa ra lời đề nghị 1 triệu USD cho 21% cổ phần và chiết khấu 67% giá trị so với định giá hiện tại. Điều kiện sau khi các Shark rời đi, startup được quyền mua ưu tiên với chiết khấu 50% so với giá trị tại thời điểm rời đi.
Shark Bình tiếp tục đưa ra lời đề nghị thứ hai trị giá 1 triệu USD cho 21% cổ phần và chiết khấu 25% giá trị so với định giá tại thời điểm rời đi.
Tương tự Shark Bình, Shark Hưng cũng tiếp tục đưa ra lời đề nghị thứ hai trị giá 1 triệu USD cho 25% cổ phần với điều kiện sau ba năm, khi rời đi sẽ chiết khấu 50% so với định giá tại thời điểm đó và nếu sau 5 năm, startup không bảo toàn được vốn, phải trả lại cho shark mức tỷ lệ hoàn vốn nội bộ 15%/năm.
Seawalker của anh Duy đã đưa ra hai lời đề nghị liên tiếp với trị giá 1 triệu USD cho lần lượt 14% và 15%. Dù vậy, Shark Bình lại đưa ra đề nghị cuối 1 triệu USD cho 18%.
Sau thời gian suy nghĩ, anh Duy quyết định từ chối tất cả lời đề nghị của các shark, qua đó kết thúc vòng gọi vốn.