Tiền đẻ ra tiền: Kiếm 500 triệu đồng đầu tiên ở tuổi 36, Shark Hưng chỉ cần thêm hai năm để sở hữu 1 tỷ đồng nhờ đầu tư
Trong dịp đầu năm 2023, ông Phạm Thanh Hưng, hay còn được biết tới với vai trò một “Shark” (cá mập) trên sóng chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam, đã có cuộc trò chuyện với MC Khánh Vy để chia sẻ về những câu chuyện liên quan tới đầu tư cũng như bất động sản.
Theo chia sẻ của Shark Hưng, cột mốc 100 triệu đồng đầu tiên mà ông sở hữu đến vào khoảng 27 – 28 tuổi, là những khoản tiền nhờ vào các công việc đi làm thuê, đề tài – dự án nghiên cứu. “100 triệu đồng đầu tiên chủ yếu là tiền công, tích góp và dành dụm”, Shark Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, từ cột mốc 100 triệu đồng cho tới cột mốc 500 triệu đồng và mua được xe, Shark Hưng đã phải mất thêm gần 10 năm để đạt được. “Tôi mua chiếc xe ô tô đầu tiên vào năm 36 tuổi bằng đúng tiền của bản thân, sau quãng thời gian 4 năm khởi nghiệp”, Shark Hưng cho biết.
“Dù vậy, quãng thời gian từ khi tôi đạt được 500 triệu đồng cho tới cột mốc 1 tỷ đồng chỉ khoảng một đến hai năm tiếp theo. Quãng thời gian đó tôi không chỉ tích lũy được tài sản nhờ các khoản tiền công mà còn kiếm tiền thông qua các hoạt động đầu tư. Tôi bắt đầu gặt hái được một số thành quả nhất định, chủ yếu nhờ bất động sản”, ông Hưng cho biết.
Nên xác định mục tiêu khi mua nhà lúc trẻ
Khi được MC Khánh Vy xin lời khuyên về cách sở hữu một căn nhà khi còn trẻ, Shark Hưng chia sẻ: “Nếu bố mẹ có 100 tỷ đồng và cho mình vài tỷ để mua nhà thì câu chuyện hết sức đơn giản. Ngược lại, nếu bố mẹ chỉ có 1 tỷ đồng, còn sau đó mình đi vay 4 tỷ đồng để mua nhà thì các bạn cần phải nghĩ lại”.
Theo Shark Hưng, nếu nguồn tài chính chưa đảm bảo mà sở hữu nhà quá sớm thì cả phần đời còn lại sẽ dành chủ yếu để đi trả nợ. “Khi nguồn thu nhập không thay đổi mà gánh nặng trả nợ quá cao, đồng nghĩa với việc đòn bẩy tài chính vượt quá xa năng lực tài chính của bản thân, dẫn đến việc các bạn không còn tiền để tận dụng các cơ hội đầu tư khác”, Shark Hưng cho biết.
Vị cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam nói thêm rằng trong giới đầu tư, có hai nguyên tắc cơ bản: Sức người và sức tiền. Trong đó, dùng sức người đồng nghĩa với việc tự lao động, tự làm ăn và nhận tiền công, tiền lương.
Ngược lại, dùng sức tiền (hay còn được gọi là đòn bẩy – leverage) có nghĩa là cũng một công sức bỏ ra, nhưng khi dùng đòn bẩy, lợi ích lại được nhân lên gấp nhiều lần so với dùng sức người.
“Ngoài ra, các bạn cũng nên xác định xem việc mua nhà có ý nghĩa gì. Các bạn nên cố gắng đừng biến căn nhà này thành tiêu sản, tức là các bạn phải đi làm để nuôi căn nhà”, Shark Hưng nhấn mạnh.
“Cá nhân tôi biết rất nhiều bạn trẻ sống trong những căn hộ rất đẹp ở các thành phố lớn, nhưng các bạn đó không bỏ tiền ra mua mà họ chỉ thuê lại. Sau đó, họ chia lại bố cục căn nhà, trang trí và cho những người khác thuê lại. Còn nếu các bạn chỉ nghĩ rằng việc mua nhà để đáp ứng nhu cầu bản thân thì không nên làm như vậy khi còn trẻ”, vị cá mập của Shark Tank Việt Nam nói thêm, đồng thời cũng khuyên rằng khi còn trẻ, không nên quá “chiều chuộng” bản thân để sau này có thêm nhiều cơ hội.
Tiền có mua được hạnh phúc không?
Theo Shark Hưng, tiền chỉ đơn giản là một phương tiện, và chưa chắc có tiền đã có hạnh phúc. “Chúng ta có xe, nhưng chưa chắc chúng ta đã đến được cái đích cần đến. Chúng ta có tiền, nhưng chưa chắc có được tình yêu và hạnh phúc. Do đó, tiền chỉ là phương tiện và hãy sử dụng phương tiện này một cách thông minh. Nếu bạn biết cách sử dụng tiền thông minh và hiệu quả, các bạn sẽ có hạnh phúc, chứ không phải cứ có tiền là có hạnh phúc”, Shark Hưng cho biết.
Vị cá mập của Shark Tank nói thêm rằng nếu không có tiền, đến mức độ “nghèo đói”, thì vẫn có khả năng có được hạnh phúc, nhưng việc có được hạnh phúc sẽ vất vả hơn.
“Tôi nghĩ rằng tiền là một thành phần trong tháp nhu cầu của con người, vì vậy nó rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu các bạn chỉ coi tiền là mục đích, làm tất cả mọi thứ để kiếm tiền rồi không biết dùng tiền để làm gì, chưa chắc đã đạt được hạnh phúc”, Shark Hưng nói thêm.