|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền đẻ ra tiền: Cách dùng 1 triệu USD để đầu tư của sếp FPT, nói không với bất động sản hay chứng khoán

11:07 | 05/12/2022
Chia sẻ
Thay vì các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán, ông Hoàng Nam Tiến chọn đầu tư vào kiến thức và trải nghiệm của bản thân.

Mới đây, tại chương trình MoneyTalk số 48 của VTVMoney, Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những quan điểm về đồng tiền và đặc biệt là lần đầu tiên ông sở hữu 1 triệu USD.

“Buổi sáng ngày 13/12/2006, khi FPT niêm yết trên sàn chứng khoán tại TP HCM. Hôm đấy, ở FPT đã có 150 người trở thành triệu phú USD. Ngày xưa trở thành triệu phú USD rất khó”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến kể lại.

Theo ông Tiến, ở thời điểm đó, 1 triệu USD có giá trị khoảng 15 tỷ đồng. "Tôi vẫn nhớ 15 tỷ lúc đấy có thể mua 30 căn hộ đẹp. Bây giờ, để mua được chừng đó căn hộ cần số tiền lớn hơn rất nhiều. Giả sử như một căn hộ đẹp hiện tại có giá 5 tỷ đồng thì 30 căn hộ sẽ cần 150 tỷ, vượt xa khoản tiền 1 triệu USD", Chủ tịch FPT Telecom đặt ra một phép so sánh giá trị của 1 triệu USD hiện tại và quá khứ.

Ông Hoàng Nam Tiến cũng tiết lộ với những người có 1 triệu USD đầu tiên ở FPT, 2/3 trong số đó chọn cách đầu tư vào bất động sản và 3/4 trong số họ đã nghỉ, không còn làm việc.

Để đạt được 1 triệu USD đầu tiên, quan điểm của ông Hoàng Nam Tiến rất rõ ràng, đó là lao động chăm chỉ mỗi ngày và chờ đợi thành công đến với mình. Khác với nhiều người khác, Chủ tịch FPT Telecom cho biết bản thân vẫn đang làm việc 10-16 tiếng/ngày, kể cả cuối tuần và ông tin rằng lao động, sáng tạo và công nghệ là ba từ khóa quyết định thành công.

 Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến. (Ảnh: VTV Money).

Khi nhận được câu hỏi tại sao làm việc chăm chỉ 16 tiếng/ngày nhưng chưa kiếm nổi 1 tỷ đồng, chưa nói đến giấc mơ 1 triệu USD, ông Hoàng Nam Tiến nêu quan điểm rằng nếu chọn con đường làm công bình thường thì khó lòng đạt được 1 triệu USD.

"Trong những người nhân viên mẫn cán, luôn luôn có những người nghĩ và làm khác, kể cả họ đang làm những việc mà nhiều người đã làm trước đấy. Với cách nghĩ khác làm khác, họ sẽ có những bước đột phá", Chủ tịch FPT Telecom đề cao tinh thần dám nghĩ khác và làm khác để tạo ra những thay đổi khác biệt.

Để ví dụ cho lối suy nghĩ mới vào những điều không cũ, ông Hoàng Nam Tiến cho biết bản thân từng có thời gian đi bán hàng và có mức thu nhập cao gấp 2-3 lần người khác.

“Tôi nhận ra rằng nếu bán hàng, thu nhập của tôi mãi cũng chỉ có thế. Lúc đó, tôi nghĩ ra cách là không chỉ bán phần của tôi, mà phải làm sao để cả trăm công ty khác bán mặt hàng đấy của tôi. Lợi nhuận có thể ít hơn, nhưng tôi lại có mạng lưới bán hàng vô cùng rộng lớn. Đấy là những ý tưởng đầu tiên, bắt đầu từ năm 1994. Trong vòng 9 năm, chúng tôi đã xây dựng được công ty phân phối lớn nhất Việt Nam. Lúc đó doanh thu của chúng tôi lớn hơn Unilever Việt Nam ”, ông Tiến chia sẻ.

Về trào lưu kiếm 1 triệu USD để nghỉ hưu sớm của giới trẻ, ông Hoàng Nam Tiến không đồng tình với điều này. Theo vị lãnh đạo FPT Telecom, 1 triệu USD không để cho ông nghỉ hưu mà khoản tiền đó giúp ông có tiền để thực hiện ước mơ ngày bé.

“Ngày còn rất bé, tôi có ước mơ trở thành phi công. Mỗi lần máy bay bay qua Hà Nội, tôi lại chạy lên gác thượng để nhìn. Năm 18 tuổi, tôi định trở thành phi công quân sự để đạt được mơ ước lái máy bay, nhưng bị loại vì không đủ sức khỏe. Sau khi có 1 triệu USD đầu tiên, năm 2007, tôi lên gặp anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT) xin nghỉ việc để đi học lái máy bay", ông Tiến kể lại.

Cuối cùng, ông Tiến cũng đạt thỏa thuận với Chủ tịch Tập đoàn FPT để có thể sang Úc học lái máy bay, thỏa mãn ước mơ.

Trái ngược với nhiều người, ông Hoàng Nam Tiến chọn đầu tư vào kiến thức và trải nghiệm của bản thân, thay vì các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán. 

"Mọi người hỏi tôi làm sao để có 1 triệu USD đầu tiên? Tôi trả lời rằng hãy đầu tư vào việc học. Học ở những lớp tốt nhất, thầy giỏi nhất, bạn học giỏi nhất", vị lãnh đạo FPT Telecom cho rằng đầu tư vào học tập là khoản đầu tư tốt nhất khi trong tay chưa có gì.

Thùy Trang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.