|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

‘Sếu đầu đàn’ vượt khó lãi lớn năm COVID-19 thứ nhất

15:06 | 13/02/2021
Chia sẻ
Trong năm COVID-19 thứ nhất, bất chấp xu hướng tiêu cực chung của thị trường, có tới 800 doanh nghiệp báo lãi. Trong đó, 37 doanh nghiệp được coi là “sếu đầu đàn” vẫn giữ được mức lợi nhuận khủng trên nghìn tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhóm bất động sản, thép và năng lượng.

Thống kê trong ‘năm COVID-19 thứ nhất’, toàn thị trường chứng khoán có gần 800 doanh nghiệp báo lãi, trong đó, số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) trên 100 tỷ đồng lên tới 250 đơn vị, chiếm 27% số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp khó khăn trong năm bùng nổ dịch bệnh. Cụ thể, thống kê cho thấy có 37 doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ trong năm vừa qua.

Doanh nghiệp bất động sản, khu công nghiệp thắng lớn

Trong đó, nhóm bất động sản và xây dựng chiếm phần lớn với 9 doanh nghiệp gồm hệ sinh thái Vingroup, Novaland, Vinaconex, Phát Đạt, Tập đoàn Hà Đô và Thaiholdings. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong mảng khu công nghiệp với mức lãi khủng có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Sài Gòn VRG và Cao su Phước Hòa.

‘Sếu đầu đàn’ vượt khó lãi lớn năm COVID-19 thứ nhất - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Tập đoàn Vingroup ghi nhận một năm không mấy tích cực dù lợi nhuận vẫn đứng top10 toàn thị trường. Doanh thu cả năm của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước đó; LNST giảm mạnh 43% còn 4.388 tỷ đồng.

Một trong những công ty con đóng góp phần đáng kể vào doanh thu của Vingroup là CTCP Vincom Retail chịu ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của dịch COVID-19. Theo đó, thời gian các trung tâm thương mại phải tạm dừng hoạt động và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến doanh thu cho thuê bất động sản và cung cấp các dịch vụ kiên quan của Vincom Retail trong năm 2020 giảm 15%.

Tính chung cả năm 2020, Vincom Retail ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất 8.329 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2019; LNST đạt 2.382 tỷ đồng, giảm 16%.

Ngược lại, sự khởi sắc của CTCP Vinhomes đã đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh của Vingroup. Doanh nghiệp này đã có một năm tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong năm 2020 đạt 70.890 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi ghi nhận trong năm 2020, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và hoạt động bán buôn được ghi nhận như một khoản thu nhập tài chính, đạt 98.089 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2019.

Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế của công ty mẹ đạt 27.839 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019 và lập mức kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.

Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi, CTCP Thaiholdings và Vinaconex lại ghi nhận những khoản lợi nhuận khác đột biến.

Cụ thể với Thaiholdings, doanh thu năm 2020 là 1.821 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đột biến gấp 20 lần, đạt 1.091 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong quý cuối năm, công ty ghi nhận khoản lãi khác tới 1.126 tỷ đồng.

Về phía Vinaconex, công ty thu từ chuyển nhượng công ty con và công ty liên doanh, liên kết (trong đó có dự án Splendora) lên tới 2.842 tỷ đồng. Do đó, dù doanh thu thuần trong năm giảm 42%, song Vinaconex vẫn lãi sau thuế 1.172 tỷ đồng, tăng 118% so với năm 2019.

Một năm bùng nổ của doanh nghiệp thép

Đáng chú ý trong các doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong năm vừa qua có sự xuất hiện hai đơn vị đầu ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen.

Trong năm 2020, sự nóng lên của giá thép toàn cầu, đặc biệt là thị trường thép cán nóng (HRC) kéo theo nhiều doanh nghiệp nhóm tôn thép tăng trưởng ấn tượng.

Niên độ 2020 (1/10/2019 – 30/9/2020), Tập đoàn Hoa Sen tiêu thụ hơn 1,6 triệu tấn thép. Mặc dù doanh thu không biến động đáng kể, song LNST công ty đạt 1.543 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,2 lần năm trước đó nhờ giá bán hàng hóa tăng cao.

Còn đối với Hòa Phát, đây là năm doanh nghiệp ghi dấu nhiều kỷ lục. Cụ thể, năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78% và đạt kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.

Về sản lượng, lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức sản lượng 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng (HRC) với gần 700.000 tấn.

Thị phần thép xây dựng cả năm 2020 của Hòa Phát đạt khoảng 32,5%, tiếp tục dẫn đầu thị trường và tăng đáng kể so với mức 26,2% của năm 2019.

Nhóm năng lượng "phòng thủ" trong bão COVID-19

Bên cạnh nhóm bất động sản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cũng đạt mức lợi nhuận ấn tượng trong năm COVID-19 vừa qua, dù tình hình kinh doanh có đi xuống.

Nổi bật nhất là PV Gas với doanh thu và LNST lần lượt đạt 64.150 tỷ đồng và 7.928 tỷ đồng, giữ vị trí Top4 lợi nhuận trên thị trường. So với năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ghi nhận mức giảm tương ứng 14% và 34%.

Tương tự, lãi sau thuế của PV Power cũng giảm 13% so với cùng kỳ, song vẫn đạt mức 2.493 tỷ đồng; Petrolimex báo lãi giảm mạnh 78% còn 1.395 tỷ đồng.

Diễn biến trái chiều, riêng nhóm điện tăng trưởng lợi nhuận khá tích cực trong năm vừa qua. Cụ thể, Genco 3 ghi nhận LNST năm 2020 đạt 1.972 tỷ đồng trong khi năm trước đó chưa tới nghìn tỷ, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng 118%. Mặt khác, Nhiệt điện Hải Phòng cũng báo lãi tăng 24% so với năm 2019, đạt 1.452 tỷ đồng.

Trong báo cáo của FiinGroup, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu - khí đốt, sản xuất điện được xem có tính "phòng thủ" kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19. FiinGroup đánh giá lợi nhuận của nhóm này nhìn chung đã hồi phục về mức trước khi dịch bùng phát, phần lớn nhờ các doanh nghiệp thủy điện và nhiệt điện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp được coi là "sếu đầu đàn" cũng ghi nhận một năm kinh doanh khởi sắc bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đơn cử, "vua sữa" Vinamilk báo lãi sau thuế 11.236 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Đại diện nhóm bán lẻ có Masan Consumer với lợi nhuận 4.633 tỷ đồng, tăng 14% và Thế Giới Di Động với lợi nhuận 3.920 tỷ đồng, tăng 2%.

Ngành bảo hiểm có Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận mức tăng trưởng LNST 29% lên 1.597 tỷ đồng. Nhóm chứng khoán có SSI báo lãi sau thuế tăng 38% lên 1.256 tỷ đồng, trở lại câu lạc bộ lãi nghìn tỷ sau một năm.

Thu Thủy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.