SSI Research: Năm 2021 tươi sáng cho Hòa Phát, Masan, PVS, FPT, IDICO,...
Triển vọng năm 2021 tươi sáng với Hòa Phát, PVS, Masan, FPT và Công trình Viettel
Báo cáo mới đây của SSI Research đánh giá về triển vọng tăng trưởng của một số doanh nghiệp nổi bật, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) được dự báo tăng trưởng ổn định nhờ sản lượng tiêu thụ thép cán nóng (HRC) dự kiến tăng gấp 4 lần so với năm ngoái và sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 20%. Theo đó, trong năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận ròng Hòa Phát tăng 26% so với năm 2020, ước đạt 17.000 tỷ đồng.
Hòa Phát đang trên đà tăng trưởng tích cực với những kỷ lục về sản lượng cũng như kết quả kinh doanh trong năm 2020. Cụ thể, Hòa Phát đạt doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78% so với con số 7.578 tỷ đồng năm ngoái. Năm 2020 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức sản lượng 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019.
Bên cạnh Hòa Phát, SSI còn đưa ra dự báo EPS năm 2020 của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ. Theo SSI, lợi nhuận năm 2021 của PVS sẽ được hỗ trợ khi có kho nổi mới FSO Sao Vàng vào hoạt động và không phải ghi nhận chi phí cho MV12 như năm 2020.
Đối với CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) trong năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 150% so với cùng kỳ nhờ mảng tiêu dùng và ngân hàng tiếp tục đà tăng trưởng.
Về triển vọng của nhóm công ty con, VinCommerce tiếp tục đà cải thiện tỷ suất EBITDA trong năm 2021 sau khi đạt mức hòa vốn năm 2020. Masan MEATLife tăng trưởng tốt do nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho heo hồi phục và mảng thịt mát tiếp tục tăng trưởng.
Mặt khác, giá kim loại (vonfram, đồng...) hồi phục giúp Tài nguyên Masan đạt lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi và công ty thành công trong việc giảm nợ vay, dẫn đến chi phí tài chính giảm từ mức rất cao trong năm 2020.
Thuộc nhóm ngành công nghệ, CTCP FPT (Mã: FPT) vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2002 bất chấp ảnh hưởng của COVID-19. Theo đó, SSI dự báo trong năm 2021, doanh thu thuần và lãi trước thuế của công ty tăng lần lượt 20% và 22% so với năm trước.
Trong đó, lãi trước thuế của mảng công nghệ dự kiến tăng trưởng 22% nhờ động lực từ giá trị hợp đồng ký mới. Cùng với đó, lãi trước thuế mảng viễn thông ước tăng 16% nhờ tăng trưởng ổn định từ mảng Internet trong khi lĩnh vực truyền hình IPTV bắt đầu mang lại lợi nhuận.
Cũng liên quan đến mảng công nghệ, nhờ xu hướng phát triển 5G mà mảng cho thuê hạ tầng của Tổng CTCP Công trình Viettel (Mã: CTR) được hưởng lợi. Các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều đã bắt đầu thử nghiệm mạng di động 5G kể từ cuối năm 2020.
Với riêng Viettel (cổ đông lớn của CTR), đơn vị này sẽ vận hành thương mại mạng 5G từ đầu năm 2021. Mảng hoạt động mới cho thuê hạ tầng viễn thông của CTR dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển của mảng 5G.
Theo ước tính của SSI, lãi sau thuế năm 2021 của CTR dự kiến tăng trưởng 9% so với cùng kỳ, con số tăng trưởng sang năm 2022 sẽ là 15%. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023 - 2025 ước tăng 20%/năm, trong đó biên lãi gộp dự kiến cải thiện từ 6,6% năm 2020 lên 12,4% năm 2025 nhờ đóng góp của mảng hạ tầng viễn thông.
SSI còn cho rằng CTR hạn chế được rủi ro cạnh trạnh nhờ rào cản gia nhập ngành hạ tầng viễn thông cao. Bởi theo quy định, doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyền điện phải có quy mô vốn pháp định là 500 tỷ đồng và cam kết đầu tư 2.500 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 7.500 tỷ đồng trong 15 năm tiếp theo.
Nam Long và IDICO có lợi thế về quỹ đất, Đất Xanh tiếp tục triển khai kế hoạch IPO DXS
Trong báo cáo chiến lược tháng 2, Chứng khoán SSI có đưa ra nhận định về một số doanh nghiệp nhóm bất động sản. Hai doanh nghiệp nổi bật có lợi thế về quỹ đất lớn gồm Tổng công ty IDICO (Mã: IDC) và CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG).
Cụ thể, theo SSI, diện tích đất sẵn sàng cho thuê của IDICO lên tới 880 ha, trong đó có 700 ha đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, chủ yếu tập trung ở Khu công nghiệp (KCN) Hựu Thạnh, KCN Phú Mỹ II mở rộng và KCN Quế Võ II.
KCN Hựu Thạnh bắt đầu cho thuê vào quý I/2021, với tổng diện tích đất cho thuê lên tới 320 ha và giá thuê 120 USD/m2/chu kỳ. Chi phí đầu tư 1 triệu đồng/m2. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của KCN Hựu Thạnh sẽ đạt 45 - 50%.
Bộ Xây dựng đã thoái toàn bộ vốn khỏi IDICO vào tháng 11/2020. Các nhà đầu tư lớn gồm SSG, Bitexco và Covestcons đã mua lại phần thoái vốn nhà nước và nâng tỷ lệ sở hữu từ 45% lên 65%. SSI cho rằng việc thay đổi cơ cấu sở hữu này sẽ giúp IDC thúc đẩy tích cực hơn các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Tương tự, Nam Long đang có quỹ đất triển khai dự án gần 681 ha trải khắp các tỉnh thành bao gồm TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Long An,... Theo SSI, nhờ quỹ đất lớn, Nam Long sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đầu tư công tiếp tục được triển khai.
SSI dự báo trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế dự kiến phục hồi mạnh mẽ (33%) so với mức thấp của năm 2020, đạt gần 1.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ bàn giao dự án Akari, Waterpoint… và có thể từ việc chuyển nhượng dự án Paragon lùi từ năm 2020 sang năm 2021.
Đối với CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), SSI cho rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch IPO CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS) trong thời gian tới.
Các hoạt động môi giới bất động sản và bàn giao sản phẩm cho người mua nhà được kỳ vọng hồi phục mạnh khi Đất Xanh có kế hoạch tiếp tục mở bán dự án Gem Skyworld và Opal Skyline trong năm nay. Do đó, năm 2021, ban lãnh đạo Đất Xanh đặt mục tiêu lãi ròng đạt 1.200 - 1.400 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2020.