|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng ngành dầu khí 2021: Giá dầu phục hồi từ mức đáy của năm 2020

19:30 | 12/02/2021
Chia sẻ
Theo VCSC, năm 2021 ngành dầu khí sẽ chứng kiến cơ hội tăng trưởng từ các dự án khí tự nhiên hoá lỏng nhập khẩu.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố báo cáo chiến lược năm 2021 của các ngành kinh tế cơ bản, trong đó nêu nhận định ngành dầu khí sẽ tìm thấy cơ hội tăng trưởng từ việc nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và cổ tức hấp dẫn.

Tăng trưởng ngành dầu khí được thúc đẩy nhờ các dự án LNG

Sau những tác động từ đại dịch COVID-19, VCSC vẫn duy trì nhận định tích cực về cơ hội tăng trưởng trong ngành dầu khí, đặc biệt là từ quá trình chuyển đổi sang LNG trong một vài năm tới. Giá dầu phục hồi từ mức đáy của năm 2020 sẽ có lợi cho hầu hết các cổ phiếu trong ngành.

Theo VCSC, giá LNG thấp sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu LNG của Việt Nam. Chuyên gia của VCSC ước tính giá LNG trung bình ở mức xấp xỉ 6,5 - 7,2 USD/triệu BTU, dựa trên giả định giá dầu Brent là 50-55 USD/thùng trong giai đoạn 2021-2025.

Do đó, VCSC dự báo giá LNG nhập khẩu ở mức khoảng 9-10 USD/triệu BTU cho giai đoạn 2021-2025. Mức giá là khá cạnh tranh so với giá khí tự nhiên từ các mỏ khí mới trong nước ở Việt Nam, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án LNG.

Ước tính vốn đầu tư đối với các dự án LNG đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể ngành khí giai đoạn 2021-2025 ít nhất là 4 tỷ USD. Điều này cho thấy cơ hội dài hạn lớn cho các doanh nghiệp như Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS).

Trong đó, theo VCSC, GAS - nhà cung cấp khí độc quyền hiện tại ở Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ dự án LNG Thị Vải đầu tiên, bắt đầu từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, chiếm xấp xỉ 10% - 13% lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.

Trong khi PVS - đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí duy nhất trong nước, không bao gồm dịch vụ khoan, được dự báo là cũng sẽ có nhiều cơ hội việc làm từ các dự án LNG vào năm 2022 và năm 2023.

Giá dầu Brent phục hồi 16% năm 2021

VCSC dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ phục hồi khoảng 16% năm 2021, trung bình đạt 50 USD/thùng so với mức giá 43 USD/thùng năm 2020. Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 55 USD/thùng, tức tăng 10% so với năm 2021.

Điều này được thúc đẩy nhờ nhu cầu phục hồi sau khi vắc xin COVID-19 được triển khai và việc nhóm OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Ngoài ra, VCSC cũng đưa ra đánh giá tích cực cổ phiếu phân bón do cổ tức tiền mặt và năng lực tài chính mạnh. Trong đó, dự kiến hai doanh nghiệp Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Mã: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) sẽ có mức lợi suất cổ tức cao nhất trong ngành, khoảng 6% - 8% và sở hữu lượng tiền mặt dồi dào.

Tuy nhiên, trong năm 2021, hai doanh nghiệp này có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn do giá nguyên liệu đầu vào tăng vì giá dầu thô cao hơn. Song, VCSC dự báo giá urê phục hồi sẽ bù đắp phần nào cho việc tăng giá đầu vào và hỗ trợ lợi nhuận cho 2 công ty này.

Bên cạnh đó, đà phục hồi của tiêu thụ xăng dầu sẽ có lợi cho các công ty phân phối xăng dầu như Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX). Hiện Chính phủ đang đặt kế hoạch mức tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam ở mức 5,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, cao gần gấp 3 lần mức tăng trưởng dự kiến trên toàn cầu, theo dự báo của BMI.

Do đó, VCSC dự báo lợi nhuận của PLX sẽ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhờ sự phục hồi của mảng xăng dầu và nhiên liệu máy bay hậu COVID-19.

Thiên Trường