|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhìn lại ngành bán lẻ 2020: Một năm đầy biến động

20:15 | 12/02/2021
Chia sẻ
Là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ những biện pháp phòng chống dịch, song năm qua các đại gia ngành bán lẻ tại Việt Nam như Thế giới di động, VinCommerce vẫn sống khoẻ bằng cách này hay cách khác.

"Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan nói với các nhân viên của mình trong những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.

Một năm dịch bệnh khó khăn đã đi qua. Song, ngành bán lẻ Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau vẫn vượt khó để thích ứng với bối cảnh mới, bất chấp những tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch.

Cơ hội và thách thức cho các đại gia bán lẻ

Trao đổi với chúng tôi, đại diện truyền thông Masan, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ nhớ lại, quý III/2020, lượng khách đến các cửa hàng VinMart+ đã giảm tới 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian giãn cách xã hội, doanh thu của siêu thị VinMart cũng sụt giảm. Các trung tâm thương mại (TTTM) thuộc Vincom Retail đóng cửa khiến doanh số của các siêu thị bên trong TTTM gặp khó.

Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch COVID-19, trong năm qua Masan đã tiến hành đóng cửa các siêu thị, cửa hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận. Song song với mở thêm các điểm bán tại các vị trí chọn lọc, áp dụng các mô hình bày trí mới bắt mắt hơn nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Các danh mục sản phẩm cung cấp cũng được tập trung đổi mới, nhiều sản phẩm tươi sống hơn, thương hiệu và sản phẩm chủ chốt được chú trọng để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp cũng tiến hành đàm phán lại với các nhà cung cấp để cải thiện chi phí hoạt động.

Nhìn lại ngành bán lẻ 2020: Một năm đầy biến động - Ảnh 1.

Trong năm 2020, hệ thống VinMart đã áp dụng các mô hình bày trí mới bắt mắt hơn nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng. (Ảnh: Thiên Trường).

Bên cạnh việc đối phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch, theo chia sẻ từ Masan, COVID-19 cũng đã mang đến cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang bán lẻ hiện đại. Người dân có xu hướng tìm mua các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, tiện lợi và dinh dưỡng tại các điểm bán hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Do lo ngại dịch bệnh, người dân hạn chế tối đa đến nơi đông người, đó chính là cơ hội cho bán hàng online. Hệ thống VinCommerce đã đẩy mạnh chương trình bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách, người tiêu dùng có thể đến cửa hàng, hoặc ngồi ngay tại nhà, nhân viên sẽ giao đến", đại diện Masan cho biết.

"Các sản phẩm bữa ăn tiện lợi nhờ COVID-19 cũng đã có nhiều tiềm năng để phát triển khi người tiêu dùng có xu hướng ăn tại nhà nhiều hơn đi hàng quán."

Một ông lớn khác trong ngành bán lẻ là Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cũng được một công ty chứng khoán tại Việt Nam đưa ra báo cáo với tiêu đề "Tìm ngọc trong đá" để nói về những gì mà MWG đã vượt qua trong năm COVID-19.

Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng chủ lực của MWG là điện thoại và điện tử sụt giảm hai chữ số, song lại mở ra cơ hội cho nhóm ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như đồng hồ, máy tính xách tay và điện gia dụng.

Năm 2020, MWG đã có hơn 500 điểm bán đồng hồ, mang về gần 1.600 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2019 với doanh số đạt 1,2 triệu sản phẩm. Doanh nghiệp cũng đã có 26 trung tâm phân phối laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong TGDĐ & ĐMX đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2019.

Nhìn lại ngành bán lẻ 2020: Một năm đầy biến động - Ảnh 2.

Năm 2020 mở ra cơ hội cho nhóm ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như đồng hồ, máy tính xách tay và điện gia dụng. (Ảnh: Thiên Trường).

Giữa đạo dịch khi nhu cầu mua sắm, tích trữ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tăng lên, chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) nổi lên như một điểm sáng khi mang về 20% tổng doanh thu của MWG. Theo MWG, sự tăng trưởng vượt trội của BHX so với thị trường là do doanh nghiệp đã mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ và tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.

Doanh nghiệp cũng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng diện tích lớn 500m2, doanh thu mỗi cửa hàng tại TP HCM đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng/tháng và tính chung cho cả hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng. Do đó, MWG cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này với mật độ dày hơn và mở rộng ra các địa phương khác.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến chi phí thuê mặt bằng giảm đáng kể, tạo cơ hội cho chiến lược mở rộng mạng lưới Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) của MWG, khi chuỗi này được xác định sẽ là động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp trong một vài năm tiếp theo.

Sau 6 tháng triển khai, chuỗi ĐMS đã phát triển thần tốc với 302 cửa hàng, phủ sóng tại 61/63 tỉnh thành. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, với tốc độ mở mới 200 cửa hàng chỉ trong 2 tháng cuối năm, chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho MWG, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt ổn định hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Nhìn lại chặng đường năm 2020, Thế Giới Di Động cho biết, để vượt qua được cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Để cải thiện biên lợi nhuận gộp của hầu hết các ngành hàng chính MWG đã tiến hành các biện pháp như: chủ động đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tập trung đẩy mạnh doanh số các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt, và cải thiện các điều khoản thương mại với nhà cung cấp do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Sau một năm đầy khó khăn, song bằng cách tận dụng những cơ hội mới, năm 2020 doanh thu VinCommerce vượt 30.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu của Masan Group, biên EBITDA lần đầu tiên dương 0,2%.

Chia sẻ về mục tiêu trong năm 2021, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group cho biết: "Năm 2021 là năm bản lề để chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi VinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline".

Theo đó, các dịch vụ từ online đến offline sẽ được tích hợp xuyên suốt. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ dù đang ngồi tại nhà, trong văn phòng, hay mua sắm các cửa hàng.

Năm 2021 là năm bản lề để chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi VinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang

Masan tiết lộ, năm 2021, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ sẽ kết hợp chặt chẽ với các đối tác lớn trên thị trường, các đối tác uy tín tại địa phương, nhằm cung cấp hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu từ bình dân tới cao cấp của tất các các tập khách hàng.

Nói về định hướng chiến lược của VinCommerce trong giai đoạn 2021 – 2025, đại diện Masan cho biết hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiến tới phủ sóng tại khắp 63 tỉnh thành.

"Đặc biệt, VinCommerce sẽ đưa ra quy hoạch top 100 đối tác chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp để dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và hàng loạt những đặc quyền giành riêng cho nhóm đối tác chiến lược này", đại diện Masan nói.

Tương tự, bất chấp khó khăn từ đại dịch COVID-19, trong năm 2020, MWG đạt 108.546 tỷ đồng doanh thu và 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chưa tháng nào ghi nhận lỗ.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC nhận định, năm 2021 chuỗi ĐMS của MWG sẽ là chìa khoá để giải quyết bài toán tăng trưởng thị phần.

"Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) dự kiến mở rộng mạnh mẽ trong năm 2021, với mục tiêu hướng tới thị trường còn 'trống' mô hình kinh doanh hiện đại, các phân khúc nhóm khách hàng chưa tiếp cận', BSC viết.

Dự kiến, đến cuối năm 2021, chuỗi ĐMS ước đạt 1.000 cửa hàng, mật độ phủ bình quân khoảng 15-20 cửa hàng/tỉnh. Đến năm 2022, ban lãnh đạo MWG đặt ra mục tiêu cho ĐMS dự kiến đạt 2.200 cửa hàng.

Liên quan đến thị phần điện tử tiêu dùng, theo BSC, ngành này hiện nay vẫn còn đang rất phân mảnh, tập trung đến hơn 40% ở các cửa hàng nhỏ lẻ. So với các đối thủ cạnh tranh chính, MWG đang có số lượng cửa hàng gấp 5,2 lần so với đối thủ đứng thứ hai là Media Mart. 

BSC nhận định, với tiềm lực tài chính cũng như hệ thống logistics có sẵn, MWG sẽ là "con ngựa" duy nhất trên đường đua để có thể vươn lên chiếm lấy thị phần ở các thị trường xa hơn.

Với những điểm sáng tích cực trên, dự báo, năm 2021 MWG có thể đạt hơn 131.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 21,5% và 23% so với năm 2020.

Thiên Trường