|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành bán lẻ sẽ phục hồi theo mô hình chữ K

14:01 | 11/01/2021
Chia sẻ
Đây là nhận định của CTCP Chứng khoán SSI về triển vọng ngành bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2021.

CTCP Chứng khoán SSI ra báo cáo về ngành bán lẻ năm 2021 tại Việt Nam, cho thấy triển vọng dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong đó, đối với mảng kinh doanh sản phẩm công nghệ và trang sức có thể sẽ phục hồi theo "mô hình chữ K".

Cụ thể, CTCP Đầu tư Thế giới di động (Mã: MWG) và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) được dự báo sẽ tiếp tục tăng thị phần, trong khi FPT Retail (Mã: FRT) và cửa hàng tư nhân nhỏ có xu hướng giảm.

Mô tả về mô hình chữ K, tờ Business Insider cho biết mô hình này sẽ khó tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào đồ thị tăng trưởng GDP, nhưng sẽ dễ lý giải hơn khi đánh giá tổng thể nền kinh tế theo từng phần.

Mô hình này nằm ở đâu đó giữa hai mô hình chữ V và L. Mô hình chữ K thể hiện sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch, trong khi phần còn lại sẽ giảm mạnh.

Đối với MWG, SSI nhận định do tiêu dùng không thiết yếu phục hồi chậm, tăng trưởng doanh thu mảng điện thoại di động và điện tử gia dụng có thể đi ngang. Uớc tính tăng trưởng doanh thu trong năm 2021 cho mảng sản phẩm công nghệ của MWG là 10% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức trước đại dịch là trên 20%.

Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng của MWG trong năm 2021 được dự báo sẽ tăng khoảng 30%, bởi mảng sản phẩm công nghệ phục hồi và lợi nhuận mảng bách hoá tiếp tục cải thiện và có thể tiến tới đạt điểm hoà vốn trong năm 2022.

Riêng đối với PNJ, mặc dù sản lượng tiêu thụ bán lẻ vẫn có thể giảm so với mức trước dịch COVID-19, song việc giá vàng tăng nhanh được SSI nhận định là có thể bù đắp cho mức sụt giảm doanh số và tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của đơn vị này trong năm 2021.

Ước tính trong quý II/2021, doanh thu từ bán lẻ của PNJ sẽ tăng mạnh lên tới 50% so với cùng kỳ, sau đó quay về mức bình thường vào cuối năm. Doanh thu cả năm 2021 của PNJ dự báo đạt khoảng 90% so với mức năm 2019.

Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận sẽ lần lượt đạt khoảng 19,7 nghìn tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.

Trái ngược với dự báo lạc quan đối với MWG, SSI lại đưa ra dự báo trái chiều đối với đà phục hồi của FRT trong năm 2021.

Cụ thể, theo SSI, mảng kinh doanh điện thoại của FRT sẽ chứng kiến doanh thu giảm một con số trong năm 2021, so với mức tăng trưởng đi ngang của ngành. Công ty đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và dừng mở cửa hàng mới từ đầu năm 2020.

Hiện, khoảng 50% doanh thu điện thoại di động của FRT đến từ kênh online. Trong khi vốn FRT là rất nhỏ so với các trang thương mại điện tử. Do đó CTCP Chứng khoán SSI cho rằng FRT có thể sẽ tiếp tục thua những sàn thương mại điện tử trong cuộc chiến giá online, và sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn so với toàn ngành.

Cũng đưa ra dự báo về đà phục hồi ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết sẽ có ba động lực chính dẫn dắt tăng trưởng trong năm tới, gồm: Xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân sau dịch COVID-19, Xu hướng M&A trong ngành bán lẻ và tiêu dùng nhanh, cuối cùng là xu hướng cao cấp hoá.

Cụ thể, theo BSC, người dân sẽ hạn chế hơn khi đi ra ngoài và tăng sử dụng mua hàng online. Điều này sẽ là tiềm năng cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển kênh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 sẽ giúp các tập đoàn lớn có cơ hội mở rộng thị trường, M&A với các doanh nghiệp nhỏ khác với giá hợp lý.

Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể trong tầng lớp trung và thượng lưu cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ tăng trưởng doanh số đối với mặt hàng cao cấp trong thời gian tới.

Với những động lực trên, BSC kỳ vọng ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng 7%-9% trong quý IV/2020 và trên 10% trong năm 2021.

Thiên Trường