Phúc Long trước tin đồn M&A
Một ngày đầu năm 2020, chuỗi đồ uống nổi tiếng Phúc Long bất ngờ bắt tay với Masan Group để khai trương một kiosk bán trà sữa ngay bên trong một siêu thị VinMart tại TP HCM. Đây là lần đầu tiên Phúc Long kết hợp với một thương hiệu bên ngoài để mở điểm bán mới.
Trước Phúc Long, một chuỗi đồ uống Việt khác là Cà phê Ông Bầu cũng có động thái tương tự khi "cộng sinh" với chuỗi nhà hàng bia Ba Gác để tăng lượng khách.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Phúc Long và Masan Group (Mã: MSN) trong thời điểm này lại có ý nghĩa hơn cả, khi thị trường F&B Việt đang có những đồn đoán về việc một ông lớn trong ngành bán lẻ đang có ý định thâu tóm chuỗi đồ uống này.
Liên quan đến vấn đề này, Phúc Long chưa đưa ra thông tin chính thức. Về phía Masan Group, đại diện tập đoàn từ chối bình luận trước thông tin trên. Song, phía Masan khẳng định: "Masan luôn muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt, gia tăng sức mạnh cho ngành bán lẻ nội địa."
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi một khi thương vụ đang trong quá trình đàm phán, các bên sẽ không được phép công bố ra bên ngoài.
Ở góc độ kinh doanh, một thương vụ M&A thông thường là sự kết hợp cần thiết để mở rộng kinh doanh nhanh nhất có thể. Đặc biệt trong lĩnh vực F&B đang trong giai đoạn cạnh tranh ngày một gay gắt, khả năng Phúc Long cần thêm động lực để tiếp tục phát triển là rất cao.
Theo số liệu chúng tôi có được, Phúc Long đang trên đà tăng trưởng mạnh về doanh thu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động theo ghi nhận của doanh nghiệp này vẫn đang ở mức thấp.
Doanh thu năm 2019 của Phúc Long là 779 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu cũng liên tục ghi nhận mức tăng cao, lần lượt 39% và 25% (2018 và 2017).
Nếu so với các ông lớn trong thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam, doanh thu của Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee (doanh thu 2.199 tỷ đồng năm 2019) và ngang ngửa với các tên tuổi ngoại như Starbucks (783 tỷ đồng) hay The Coffee House (863 tỷ đồng).
Doanh thu cao, song những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.
Tương tự các doanh nghiệp F&B trong ngành, với "chiếc áo" thị trường đang ngày một hẹp bởi sự góp mặt của nhiều người chơi mới, các chuỗi đồ uống như Phúc Long phải tận dụng mọi cơ hội để chiếm thị phần, từ "cắn răng" thuê mặt bằng đẹp tới chịu chi cho những chiến dịch quảng cáo truyền thông tốn kém. Điều này vô tình đã đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh doanh thu khủng nhưng lợi nhuận lại bèo bọt.
Cũng vì lý do này, tin đồn về một thương vụ M&A giữa Phúc Long và Masan càng có thêm cơ sở. Với giá trị mà Phúc Long hiện có, nếu về với Masan, cái lợi trước mắt dễ thấy nhất đó là hệ thống cửa hàng và tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi VinMart/VinMart+ của Masan.
Với xấp xỉ hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp cả nước, VinCommerce hứa hẹn sẽ mang tới cho Phúc Long thêm hàng nghìn điểm bán mới, với những vị trí mặt bằng đẹp.
Masan Group: Ông chủ "mát tay" trong các thương vụ M&A
Trong chặng đường phát triển của mình, có thể nhận thấy khẩu vị ưa thích của Masan Group là các thương vụ M&A liên quan những nhãn hàng Việt. Từ hệ thống bán lẻ VinCommerce của Vingroup tới hãng sản xuất bột giặt NET, VinaCafé Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo,...
Với chiến lược M&A để phát triển hệ sinh thái hàng tiêu dùng kết hợp chuỗi bán lẻ, giả thiết nếu M&A với chuỗi đồ uống đang trên đà tăng trưởng doanh thu khủng như Phúc Long, Masan liệu có khả năng gặt hái thành công?
Thực tế, tham gia vào thị trường chuỗi đồ uống tại Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp với tiềm lực tài chính khủng, cùng kinh nghiệm dày dặn như The Coffee House hay Trung Nguyên, mặc dù tham gia đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận lãi.
Chẳng hạn như The Coffee House, sau gần 7 năm có mặt tại Việt Nam chuỗi này cũng đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn khi lỗ ròng hơn 80 tỷ đồng trong năm ngoái, đây là khoản lỗ lớn nhất kể từ nằm 2016, theo số liệu chúng tôi có được.
Một số chuỗi khác cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ như Công ty Trung Nguyên ghi nhận lỗ 50 tỷ đồng đồng năm 2019 dù doanh thu vẫn tăng nhẹ so với năm trước đó. Đặc biệt, chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf đã lỗ gần 30 tỷ đồng khi mà doanh thu tiếp đà sụt giảm từ năm 2017.
Trong các chuỗi lớn, Highlands Coffee vẫn giữ được đà tăng trưởng doanh thu với mức tăng 35%, đạt 2.200 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty đã giảm 35% so với năm trước đó do các chi phí bán hàng và quản lí tăng mạnh.
Riêng với Phúc Long, mặc dù doanh thu đang trên đà tăng trưởng và chưa ghi nhận lỗ, song biên lợi nhuận cũng chỉ rơi quanh mức 35%, khá thấp nếu so với Highlands Coffee 68% và The Coffee House khoảng 70%.
Cùng với khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, hiệu quả sinh lời theo ghi nhận của Phúc Long ở mức rất thấp. Dù đã cải thiện so với năm trước, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của Phúc Long cũng chỉ ở mức 2,6% năm 2019.
Điều này hoàn toàn có thể cải thiện được khi tích hợp giá trị giữa một bên là nhãn hàng và một bên là nhà phân phối như những gì Masan đang làm với The CrownX - công ty con của Masan nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings.
Năm ngoái, công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt mức 1 tỷ USD, doanh thu thuần và EBITDA tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019.
Cùng với chiến lược đóng hàng trăm siêu thị hoạt động không hiệu quả của Masan, hệ thống VinCommerce lần đầu tiên đã có lãi gộp và đạt biên EBITA dương 0,2% trong quý cuối cùng của năm.
Sau những thương vụ M&A đình đám, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang mới đây cho biết: "Đây chỉ mới là điểm khởi đầu trên con đường xây dựng hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mang đến các giá trị vượt trội.
Năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline".