Tỷ phú Trần Đình Long: Tôi làm giàu nhờ đam mê và không biết sợ là gì
Bloomberg dẫn lời Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập của Hòa Phát hồi tưởng: "Những ngày đầu, tôi chỉ có niềm đam mê và không biết sợ là gì".
Kết năm 2020, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát dừng ở 41.450 đồng/cp, tăng 115% so với ngày đầu năm và nhảy vọt 213% so với đáy hồi cuối tháng 3 khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Đà tăng phi mã của cổ phiếu HPG giúp ông Long lấy lại danh hiệu tỷ phú USD.
Theo Bloomberg Billionaire Index, sau khi xem xét cả số cổ phiếu được đem đi cầm cố, tài sản ròng của ông Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền hiện nay đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Ông Long Hiện là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát khi sở hữu 26,08% vốn điều lệ. Bà Hiền cũng nắm giữ 7,34%.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Long cho rằng mặc dù tỷ lệ P/E của Hòa Phát hiện đang ở gần mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng cổ phiếu HPG không hề bị định giá quá cao.
Đà đi lên của Hòa Phát là một ví dụ điển hình cho nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020, GDP nước ta tăng trưởng 2,91% trong khi phần lớn các quốc gia khác trên thế giới rơi vào cảnh suy thoái. Dự báo trong năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khoảng 7,6%.
Nhìn chung Việt Nam tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cho tới nay nước ta mới chỉ ghi nhận 1.537 ca dương tính, bao gồm cả những trường hợp cách ly ngay sau nhập cảnh, và 35 trường hợp tử vong.
"Một đất nước mới công nghiệp hóa đòi hỏi xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng" và do vậy cần rất nhiều thép, Chủ tịch Trần Đình Long nói. "Nếu nền kinh tế tăng trưởng 7-8% thì nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 10-12%".
Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát tăng trưởng lần lượt 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm vừa qua, Hòa Phát tiêu thụ kỷ lục trên 5 triệu tấn thép, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với năm trước.
Những tăng trưởng này của Hòa Phát đạt được trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), trong 11 tháng đầu năm 2020, chi tiêu công của Việt Nam đạt 406.800 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Trần Đình Long lần đầu góp tên trong danh sách tỷ phú vào năm 2018 nhưng rồi nhanh chóng đánh mất danh hiệu này khi giá cổ phiếu HPG sụt giảm. Vào giữa tháng 10/2020, tài sản ròng của ông Long một lần nữa vượt lên trên mốc 1 tỷ USD.
Ông Long là người gốc Hà Nội. Tháng 8/1992, ông thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát - công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát và là tiền thân của tập đoàn ngày nay. Công ty này ban đầu hoạt động trong mảng buôn bán phụ tùng và thiết bị xây dựng đã qua sử dụng.
Năm 1996, công ty chuyển sang mảng thép với việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Năm 2017, tập đoàn bắt tay xây dựng Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ USD.
Hiện nay 3/4 lò cao và 4/4 lò thổi của Hòa Phát Dung Quất đã đi vào hoạt động ổn định. Lò cao số 4 và cũng là lò cao cuối cùng dự kiến sẽ bắt đầu vận hành vào đầu năm 2021 này. Sau khi cả 4 lò cao đều hoạt động hết công suất, Hòa Phát sẽ có thể vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Ông Long cho biết Hòa Phát đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2 của Khu Liên hợp Dung Quất, dự kiến khởi công vào tháng 1/2022 và bắt đầu sản xuất sau ba năm thi công. Mục đích của khoản đầu tư lớn này là nhằm đáp ứng nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) đang tăng nhanh.
Sau khi hoàn thành, dự án giai đoạn 2 này có thể giúp doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Hòa Phát tăng trưởng khoảng 80%, Chủ tịch Long dự báo.
"Việt Nam xếp hạng khá thấp về tiêu dùng thép bình quân đầu người trong khi đất nước chỉ vừa mới bắt đầu quá trình phát triển hạ tầng. Nhờ Khu liên hợp Dung Quất, Hòa Phát đã trở thành một tay chơi lớn", bà Phạm Mai Trang, Trợ lý Giám đốc Nghiên cứu tại công ty quản lý quỹ Dragon Capital, nhận xét. Hiện nay nhóm quỹ Dragon Capital đang sở hữu khoảng 7% vốn của Hòa Phát.
Bà Trang cho rằng thách thức của Hòa Phát trong năm 2020 phải thích nghi để hoạt động theo quy mô lớn hơn hẳn trước đây và gia tăng năng lực sản xuất. Hiện nay, Hòa Phát phải lặp lại thành công trong quá khứ đối với thép cuộn cán nóng (HRC).
Không ai biết trước tương lai sẽ ra sao nhưng dù chuyện gì có xảy ra, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết việc ông trở thành một trong số ít tỷ phú USD của Việt Nam nhờ mạo hiểm đầu tư vào thép không tạo ra thay đổi nhiều đối với cuộc sống của ông.
"Trong 20 năm qua, ngày nào tôi cũng uống cà phê với các bạn của tôi ở cùng một quán. Mọi thứ vẫn thế thôi", ông Long chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/