HPG vượt đỉnh lịch sử, Chủ tịch Trần Đình Long quay lại danh sách tỉ phú
Kết phiên giao dịch 23/10, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vọt lên 4,4% - mức tăng mạnh nhất trong chỉ số VN30. HPG cũng là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay với hơn 29,5 triệu đơn vị được khớp lệnh, trị giá khoảng hơn 900 tỉ đồng.
Với mức giá đóng cửa 30.900 đồng/cp, HPG đã vượt qua đỉnh cũ hồi tháng 2/2018 để thiết lập kỉ lục giá mới. Vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát hiện nay đạt trên 98.000 tỉ đồng, cao gấp gần 6 lần ngày đầu lên sàn 15/11/2007.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng trưởng gần 55%. Nếu so với đáy trong đại dịch COVID-19 hồi cuối tháng 3, cổ phiếu của đại gia thép này đã tăng gần 130%.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát lần đầu góp tên trong danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes vào năm 2018 với giá trị tài sản ròng 1,3 tỉ USD. Sau hai năm vắng bóng do giá cổ phiếu HPG đi xuống, ông Long hiện nay đã lấy lại danh hiệu tỉ phú.
Cụ thể theo thống kê của Forbes, ông Long đang có tài sản ròng 1,5 tỉ USD, là người giàu thứ 1.787 trên thế giới và giàu thứ 4 Việt Nam.
Những doanh nhân Việt khác cũng xuất hiện trong danh sách tỉ phú của Forbes hiện nay bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng (6,5 tỉ USD), Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (2,2 tỉ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỉ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỉ USD), Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang (1,4 tỉ USD).
Ông Long đang sở hữu 840 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,35% vốn điều lệ của Hòa Phát và trị giá xấp xỉ 26.000 tỉ đồng nếu tính theo giá kết phiên hôm nay. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cũng đang nắm giữ trên 243 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 7,34% vốn và trị giá khoảng 7.500 tỉ đồng.
Trong khoảng tháng 3-4/2020, con trai ông Trần Đình Long đã chi khoảng 700 tỉ đồng để mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG. Tính cả số cổ tức bằng cổ phiếu mới nhận, con trai ông Long đang sở hữu khoảng 48 triệu cổ phiếu. Với việc giá HPG tăng mạnh trong những tháng qua, con trai Chủ tịch Trần Đình Long đang lãi lớn từ thương vụ đầu tư vào Hòa Phát.
Mới đây, Hòa Phát công bố kế quả kinh doanh quí III khả quan với doanh thu khoảng 24.900 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.785 tỉ đồng, tăng trưởng 111% và là mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn.
Tiêu thụ các loại sản phẩm như phôi thép, thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát có cải thiện đáng kể so với năm trước. Tháng 9 vừa qua, Hòa Phát lần đầu tiên vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Những mốc phát triển của Hòa Phát
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961, quê Hải Dương. Năm 1992, ông Long thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát - công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát.
Năm 1995, ông thành lập Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát; năm 1996 thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát.
Năm 2001, ông Long thành lập Công ty cổ phần Thép Hòa Phát (nay là Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên), Công ty TNHH Điện Lạnh Hòa Phát, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát.
Tháng 1/2007, các doanh nghiệp trên được tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn với công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Hòa Phát và các công ty thành viên. Tháng 8/2007, Tập đoàn Hòa Phát lập ra CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương, triển khai Khu liên hợp Sản xuất Gang thép tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam bằng việc niêm yết 132 triệu cổ phiếu HPG, giá đóng cửa phiên đầu tiên là 127.000 đồng, tương ứng vốn hóa 16.764 tỉ đồng.
Trong những năm sau đó, Hòa Phát đã mở rộng thêm sang lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên (tháng 3/2015) và Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát (tháng 2/2016).
Trong lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất thép, Hòa Phát đã liên tục mở rộng công suất Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương lên 1,15 triệu tấn/năm (tháng 10/2013) và lên hơn 2 triệu tấn/năm (tháng 2/2016).
Tháng 4/2016, tập đoàn thành lập Công ty TNHH Tôn Hòa Phát, bắt đầu triển khai dự án tôn mạ màu, mạ kẽm, mạ lạnh các loại với tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm.
Tháng 2/2017, tập đoàn thành lập CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất để đầu tư phát triển Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với qui mô 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến 52.000 tỉ đồng, về sau điều chỉnh tăng lên 65.000 tỉ đồng.
Hiện nay Hòa Phát Dung Quất đã vận hành ổn định 3/4 lò cao và 4/4 lò thổi. Lò cao cuối cùng dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng 575.208 tấn thép thô, cao hơn mức 509.330 tấn của Formosa Hà Tĩnh cùng tháng. Khu liên hợp tại Dung Quất đóng góp 60% sản lượng nói trên của Hòa Phát.
Tập đoàn Hòa Phát đang có ý định mở rộng Khu liên hợp tại Dung Quất với công suất tăng thêm khoảng 5 triệu tấn thép, gồm 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao và 0,5 triệu tấn thép tròn cơ khí chế tạo.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 60.000 tỉ đồng, trong đó vốn cố định là 50.000 tỉ đồng và vốn lưu động là 10.000 tỉ đồng. Về cơ cấu vốn cố định, vốn tự có là khoảng 30.000 tỉ, vốn vay dự tính 20.000 tỉ.
Kế hoạch mở rộng đã được cổ đông thông qua, tập đoàn đang làm việc để xin phép các cơ quan Chính phủ. Chủ tịch Trần Đình Long cho biết quá trình xin cấp phép này sẽ phải mất 2-3 năm.