Thị phần bán lẻ của tiệm tạp hóa và chợ truyền thống tiếp tục giảm
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết sự bùng phát COVID-19 đã thu hút một số lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam trước đó không quan tâm đến mua sắm trực tuyến hay thanh toán điện tử.
Theo đó, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), Việt Nam đang phát triển nhanh nhất trong khu vực, dự kiến giá trị thị trường sẽ tăng lên 29 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên VDSC cũng nhận định rằng TMĐT vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển và những doanh nghiệp kinh doanh TMĐT thuần túy vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về hậu cần, đặc biệt là giao hàng chặng cuối cùng bên ngoài các thành phố cấp một.
Trái lại, những nhà bán lẻ truyền thống có thể tận dụng xu hướng bùng nổ của TMĐT để tiếp cận khách hàng và bán hàng thông qua đa kênh trong tương lai, trong khi vẫn có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thực tế thông qua mạng lưới cửa hàng vật lí rộng khắp của mình.
Bên cạnh đó, báo cáo trên cũng dẫn nguồn từ Kantar Worldpanel chỉ ra sự co lại về thị phần của cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống trong năm 2020.
Theo đó trong 10 tháng đầu năm 2020, cửa hàng tạp hóa chiếm 52,9% thị phần, giảm 1,1% so với năm 2019 (54%); chợ truyền thống chiếm 8,8% thị phần, giảm 0,1% so với năm 2019 (8,9%). Ngoài ra, thị phần của cửa hàng chuyên doanh tính tới 10 tháng năm 2020 cũng giảm 2,7% so với năm 2019.
Thay vào đó, thị phần của mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, kinh doanh online, bán sỉ, nhà thuốc và các mô hình khác ghi nhận sự gia tăng. Báo cáo của VDSC cho rằng các chuỗi bán lẻ hiện đại đang dần chiếm thị phần từ các hình thức thương mại truyền thống nhờ sản phẩm chất lượng cao, đa dạng chủng loại và chất lượng dịch vụ tốt hơn tương đối.
Nhưng ưu thế này tiếp tục là chất xúc tác cho sự phát triển của các hình thức thương mại hiện đại này trong bối cảnh COVID-19 khi người tiêu dùng có thể mua được nhiều món hàng trong một lần mua sắm, qua đó, giảm tần suất đi lại và tiếp xúc.
Cùng với quá trình đô thị hóa và thu nhập GDP đầu người tăng, xu hướng người tiêu dùng chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại là tất yếu trong quá trình phát triển của một thị trường bán lẻ.
VDSC dẫn nguồn từ Mc Kinsey dự báo kênh bán lẻ hiện đại có thể chứng kiến mức tăng trưởng từ 4 tỷ USD tại 2018 lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.